Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Những Ngôi chùa ở quận Ninh Kiều - Tp. Cần Thơ

Những Ngôi chùa Phật ở phường An Bình - quận Ninh Kiều



1. TỊNH THẤT LIÊN TRÌ
Phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
-------------------------------

Tịnh Thất Liên Trì – thuộc hệ phái Bắc tông, tọa lạc trên diện tích 1150m2, tại số 227 A6, khu vực 8, phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Mặt tiền ngôi chánh điện quay về hướng Nam. Điện thoại số 0989769040. Hiện nay do Tỳ kheo Thích Trung Giới coi quản.
Toàn cảnh mặt tiền của Tịnh Thất
I. Lịch sử hình thành ngôi Tịnh Thất
Hòa thượng Thích Thiện Cung – thế danh Phạm Gia Thôn sinh năm Qúi Hợi – 1923 tại phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Xuất gia đi tu vào năm 1965, được Hòa thượng Thích Trí Tịnh trụ trì chùa Vạn Đức ở quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh thu nhận làm đệ tử.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, Hòa thượng Thiện Cung được Sư phụ Trí Tịnh cho phép trở về quê nhà. Ban đầu Ngài chỉ cất cái Am nhỏ đơn sơ bằng cây lá trên khu đất mộ của gia đình để tu học. Ngôi Tịnh Thất đến nay đã qua ba lần xây mới, nâng cấp, trùng tu và đại trùng tu.

 Đầu năm 1980, do có nhiều bà con phật tử đến cúng viếng, cái Am nhỏ quá chật hẹp, Hòa thượng tiến hành xây mới lại và mở rộng thêm Ngôi Tịnh Thất bằng vách tường gạch, mái lợp tol xi măng. Đến năm 1990, nâng cấp xây thêm nhà tăng và nhà bếp rộng 180m2. Hòa thượng Thích Thiện Cung vì tuổi cao sức yếu đã viên tịch vào năm Giáp Thân – 2004, hưởng thọ 82 tuổi.

Di ảnh Hòa thượng Thích Thiện Cung
Đến năm Tân Mão - 2011, được các nhà hảo tâm và bà con phật tử đóng góp và cúng dường, Tỳ kheo Thích Trung Giới là người trông coi xây dựng mới hoàn toàn Ngôi chánh điện với quy mô kiên cố kiến trúc hiện đại trên diện tích 160m2 như hiện nay.
Mặt tiền ngôi chánh điện
Nhìn vào mặt tiền được tạo thành mặt phẳng nổi bật, khung bao lam ở giữa chạm đắp hình rồng chầu sống động, hai bên có 2 câu đối đắp chữ nổi. Câu bên trái: Tây phương cực lạc Ta bà vô sở bất từ bi; câu bên phải: Phật hiệu Di đà pháp giới tạng thân tùy xứ hiện; hai khung 2 bên chạm đắp hoa văn rất sống động ở giữa có hình hoa sen; bên trên có 3 bức hoành phi được chạm đắp hoa văn rất tinh xão, ở giữa là bảng hiệu đắp chữ nổi Tịnh Thất Liên Trì , bên trái đắp 2 chữ Trí Huệ, bên phải đắp 2 chữ Từ Bi.
 


Tỳ kheo Thích Trung Giới – thế danh Nguyễn Văn Vinh sinh ngày 06/7/1975, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Từ nhỏ thường lui tới Tịnh Thất, được Hòa thượng Thiện Cung thương mến nhận làm đệ tử và giới thiệu lên Chùa Hội Sơn, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh xuất gia tu học vào năm Nhâm Thân - 1992.
Tỳ kheo Thích Trung Giới
Đến năm 2002, Hòa thượng Thích Thiện Cung vì tuổi cao thường hay đau yếu. Tỳ kheo Thích Trung Giới phải quay về Tịnh Thất Liên Trì để chăm sóc Sư thầy cho đến ngày Sư Thầy viên tịch vào năm 2004. Trong quá trình tu học, Tỳ kheo Thích Trung Giới đã tham gia nhiều khóa tu căn bản tại Chùa Hội Sơn và đã theo học khóa trung cấp Phật học năm 1996 tại Trường trung cấp Phật học Tp. Hồ Chí Minh và lớp Cao đẳng Phật học năm 2000; được thọ Tỳ kheo vào năm 2006. Ngoài ra còn tham gia nhiều lớp học bồi dưỡng Trụ trì do Ban trị sự thành hội Phật giáo thành phố Cần Thơ tổ chức. Thể theo lời di nguyện và giao phó của Sư phụ, Tỳ Kheo Thích Trung Giới tiếp tục đứng ra điều hành phật sự tại Ngôi Tịnh Thất cho đến ngày nay.
II. Những đặc điểm chính của Ngôi Tịnh Thất
Ngôi Tịnh Thất Liên Trì ra đời đến nay mới chỉ gần 40 mươi năm. Mặt khác, vị trí vùng đất này có lúc nằm trong quy hoạch giải tỏa, vì thế cả một thời gian dài ban đầu không được xây dựng kiên cố. Đến năm 2007, dự án quy hoạch bị hủy bỏ, Ngôi Tịnh Thất mới được đầu tư xây mới, nên lối kiến trúc mặt tiền hoàn toàn hiện đại. Toàn cảnh bên ngoài, hiện nay nằm trên một khu đất trống, nhưng trong tương lai, chung quanh nơi đây được huy hoạch làm khu công viên. Trên sân phía bên trái đặt một tượng Quan Thế Âm Bồ tát lộ thiên cao 3,6 mét. 

Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát lộ thiên
Vào cửa chính, bên phải đặt tượng Tiêu diện Bồ Tát, bên trái đặt tượng Hộ pháp Bồ Tát. Ban thờ chính điện đặt trung tâm chia ra làm 3 bật. Bật trên bài trí ba pho tượng Di Đà tam tôn (còn gọi là “Tây phương tam thánh”) gồm tượng Phật A Di Đà ngồi ở giữa, tượng Bồ Tát Quán Thế Âm đứng ở bên trái và tượng Bồ Tát Đại Thế Chí đứng bên phải; Bật giữa, đặt tượng Bổn sư Thích Ca, hai bên 2 tượng đứng Văn Thù và Phổ Hiền; Bật thứ 3, đặt tượng Phật Di Lặc và 7 tượng nhỏ - 7 vị dược sư.
Ban thờ chính điện
Bốn góc chung quanh đặt 4 tượng Tứ Đại Thiên Vương cao 1,8 mét; Đứng trước chính điện nhìn ra cửa chính phía bên phải đặt tượng Hộ pháp Già Lam (Quang thánh Đế quân) bằng gổ cao 1,2 mét.



Phía sau Hậu tổ, thờ tượng Tổ Đạt Ma, bên dưới đặt di ảnh cố Hòa thượng Thích Thiện Cung; vách đối diện bên phải đặt tượng Quan Âm Bố Tát, bên trái đặt tượng Địa tạng Bồ Tát.


                                                                   Bàn thờ Hậu Tổ

Ngoài những ngày lễ chính, Tịnh Thất còn có ngày lễ Húy kỵ Hoà thượng vào 18/6 âm lịch hằng năm.
III. Mối quan hệ giữa Tịnh Thất và xã hội.
Lúc ban đầu chỉ có một số ít phật tử chung quanh đến viếng Tịnh Thất, dần dần về sau số lượng Phật tử ngày càng tăng dần, đến nay đã có hơn 80 người đến đây quy y Tam bảo. Ngoài ra, những ngày lễ lớn trong năm có hằng trăm người đến dự và cúng viếng.
Hiện tại Tịnh Thất chưa tổ chức được những khoá tu Bát quan trai, tuy nhiên hằng đêm cũng có hơn 10 phật tử đến tụng kinh, niệm Phật. Những ngày sám hối cũng có khoảng 30 – 40 phật tử tham dự.  
Về công tác từ thiện xã hội: Tịnh thất hằng năm có tổ chức 3 đợt phát gạo, mỗi đợt 70 phần, mỗi phần được 10kg cho hộ nghèo, cận nghèo; đến mùa tựu trường hằng năm Tịnh Thất còn ủng hộ cho học sinh nghèo ở địa phương 1000 quyển tập. Ngoài ra, trong những đợt vận động quyên góp ủng hộ thiên tai, bão lụt, quỹ người nghèo của quận và phường, Tịnh Thất đều tham gia đóng góp./.