Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Những ngôi chùa ở quận Bình Thủy

1.  CHÙA HỘI LINH

Phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ
----------------------------

Chùa Hội Linh, còn có cách gọi khác Hội Linh Cổ Tự, thuộc hệ phái Bắc tông - tọa lạc trên diện tích 6500m2 tại số 314/36 đường Cách mạng tháng Tám (cách đường khoảng 200 mét), phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Điện thoại số 0710 2212206. Hiện nay, do Hòa thượng Thích Chơn Đức làm trụ trì. 

 
Chùa Hội Linh

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH NGÔI CHÙA. (1)
            Chùa Hội Linh được khởi lập vào ngày rằm tháng hai năm Đinh Mùi – 1907, theo dòng Thiền Lâm Tế. Do một gia đình phật tử - ông Phạm Văn Bường (pháp danh Thông Lý) và bà Nguyễn Thị Tám (pháp danh Thông Ngọc) cúng dường đất cho Hòa thượng Thích Khánh Hưng, thế danh Quý Thanh Hương đứng ra trông coi xây cất. Ban đầu chùa được cất đơn sơ bằng cột cây, vách và mái lợp lá, cửa chùa quay ra hướng (Đông Bắc) sông Hậu, đặt tên “Hội Long Tự”. Vì chùa nằm ở ngọn một con rạch nhỏ, nên còn có tên là chùa Xẽo Cạn. Vị trí chùa trên một diện tích đất khá rộng gần 1ha ở địa phận thôn Thái Bình, tổng Định Bảo (thời Pháp thuộc); đến năm 1958 đổi lại thành xã An Bình, tổng Định An, quận Châu Thành, tỉnh Phong Dinh; năm 1968 đổi thành phường An Thới, tỉnh Cần Thơ; sau ngày 30/4/1975 đất nước thống nhất được đổi thành phường Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang; đến năm 1992 được đổi lại phường An Thới, thành phố Cần Thơ, tỉnh Cần Thơ; Và hiện nay tọa lạc tại số 314/36 đường Cách mạng tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.
          Hòa thượng Thích Khánh Hưng trụ trì chùa từ ngày khởi lập đến ngày mùng 5 tháng 3 năm Giáp Dần – 1914 viên tịch. Sau khi Hòa thượng Khánh Hưng mất, Hòa thượng Thích Hoằng Đạo, thế danh Võ Văn Nhuận sinh năm Mậu Dần – 1878 thay thế trụ trì cho đến ngày mùng 7 tháng 6 năm Nhâm Tuất – 1922 thì thâu thần thị tịch, hưởng dương 45 tuổi. Mặc dù thời gian trụ trì chùa chỉ 8 năm, nhưng hòa thượng Khánh Hưng là người được bà con phật tử tin tưởng. Theo 2 bảng khắc gổ còn lưu tại chùa, ghi công đức của 75 thiện nam, tín nữ phật tử đồng hỷ cúng 2078 đồng, để hòa thượng xây cất mới ngôi chùa bằng vật liệu kiên cố - tường gạch mái lợp ngói. Mặt tiền chùa được điều chỉnh quay ngược lại về phía đường Cách mạng tháng Tám, hướng Tây Nam và đổi tên thành “Hội Linh Cổ Tự”.
          Năm 1922, Hòa thượng Thích Trí Đăng, thế danh Lê Kim Chương sinh năm Bính Tuất – 1886 về trụ trì chùa cho đến năm 1944 chuyển đi tu nơi khác.
          Năm 1944, Thượng tọa Thích Pháp Thân, thế danh Dương Văn Đề sinh năm Quí Mảo – 1903 thay thế trụ trì chùa cho đến ngày 18 tháng 8 năm 1970, Hòa thượng (được tấn phong ngày mùng 4 tháng 8 năm 1967 và được Giáo hội Phật giáo tỉnh Phong Dinh bấy giờ suy tôn Hòa thượng chứng minh của Giáo hội) Thích Pháp Thân đã hy sinh vì sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ xâm lược, thọ thế 68 tuổi.
          Trong thời gian trụ trì chùa từ năm 1944 đến 1970, Hòa thượng Thích Pháp Thân có 2 quyết định quan trọng liên quan đến làm thay đổi diện mạo ngôi chùa.
 
Gian cổ lầu thờ Di Đà Tam Tôn
 

Khoảng năm 1946 - 1950, sau khi chiếm đóng Cần Thơ (tháng 10/1945) thực dân Pháp coi Cần Thơ là trung tâm cai trị khu vực miền Tây. Vì vậy, chúng tăng cường lực lượng lính Hòa Hảo phòng vệ vùng ven quanh Cần Thơ và chọn nơi có đình, chùa, nhà cửa rộng lớn để đóng lô cốt hoặc đồn bót, trong đó có chùa Hội Linh. Biết được ý đồ của địch, Hòa thượng Pháp Thân thống nhất với các cán bộ lãnh đạo cách mạng cho đốt một phần nóc ngôi chánh điện, nên phá được ý đồ đóng đồn của địch. Sau năm 1954 hòa bình lập lại, Hòa thượng Pháp Thân mới tiến hành sửa chửa lại chánh điện, xây tường vách, lợp lại mái ngói, lót lại gạch nền… 

 
Gian cổ lầu thờ Di Đà Tam Tôn

HT. Thích Chơn Đức


Sau khi Hòa thượng Thích Pháp Thân viên tịch. Sư đệ của Hòa thượng là Hòa thượng Thích Pháp Hiện, thế danh Huỳnh Văn Đức sinh năm Đinh Mùi – 1907 (thọ thế 81 tuổi) thay trụ trì chùa Hội Linh hai năm (1970 – 1972) chuyển sang tu nơi khác.
Kế tiếp sự truyền thừa. Năm 1972, Thượng tọa Thích Chơn Đức (đệ tử Hòa thượng Thích Pháp Thân) thế danh Phan Văn Bảy, sinh năm Ất Sửu – 1925, nguyên quán Long Tuyền, Bình Thủy, Cần Thơ. Thay sư thúc của mình giữ chức trụ trì chùa, đến năm 1998 Thượng tọa Chơn Đức được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong Hòa thượng và tiếp tục trụ trì chùa cho đến hết năm 2005.
Cuối năm 2005, vì tuổi cao sức yếu, Hòa thượng Chơn Đức đã trình trước Giáo hội và cơ quan nhà nước công khai giao trách nhiệm cho Thượng tọa Thích Thiện Pháp (Thượng tọa Thiện Pháp gọi Hòa thượng Chơn Đức là sư thúc trong tông môn) thay Hòa thượng điều hành phật sự tại bổn tự Hội Linh.

Thượng tọa Thích Thiện Pháp, sinh năm Ất Mùi - 1955, thế danh Trương Hớn Huy người ở quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. Xuất gia năm 1965, được Hòa thượng Thích Tâm Chơn nhận làm đệ tử, tu học tại chùa Thiên Long, xã Tân Hội, huyện Châu Thành, Tiền Giang. Năm 1966, được bổn sư Hòa thượng Tâm Chơn gởi sang chùa Hội Linh nương với Hòa thượng Pháp Thân học đạo cho đến ngày Hòa thượng viên tịch (1970). Sau khi hoàn tất phần Bảo tháp cho Hòa thượng Pháp Thân yên nghỉ, Thượng tọa Thiện Pháp xin trở về bổn tự Thiên Long tiếp tục rèn luyện gia công gia hạnh với Hòa thượng bổn sư nơi tự viện và vân du tham học với nhiều Chư Tôn Đức trong những mùa An Cư Kiết Hạ… cho đến tháng chạp năm 2005 được Hòa thượng Chơn Đức cử làm trưởng tử và chuyển về chùa Hội Linh nhận trách nhiệm điều hành phật sự do Hòa thượng Chơn Đức giao phó cho đến nay.
          II. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHÍNH CỦA CHÙA HỘI LINH.
            Ngôi Tam bảo Hội Linh Cổ Tự ra đời đến nay đã hơn một thế kỷ (102 tuổi) và tính từ đời Hòa thượng khai sơn đến Hòa thượng Thích Chơn Đức là 5 đời. Mặc dù vậy, Chùa Hội Linh chưa phải là một ngôi chùa cổ. Mặt khác, khi xây dựng lại mới vào khoảng 1955 – 1960, nên có ảnh hưởng nhiều đến lối kiến trúc nước ngoài. 



 
Cổng chùa Hội Linh

Nhìn từ ngoài vào ta bắt gặp cổng tam quan vừa hiện đại vừa cổ kính, dưới tán 2 cây đa cổ thụ rợp bóng, dãy tường rào tạo hình cánh cung, cổng chính vươn ra phía trước, trên nóc các cổng đều được lợp mái cong giả ngói âm dương màu xanh. Mổi cổng đều có 2 câu đối bằng chữ Hán đắp nổi. Riêng cổng chính lợp 2 lớp mái ngói, nóc có gắn cặp lưỡng long tranh châu bằng đất nung màu xanh, hai bên trụ cột có 2 câu đối bằng chữ Hán dịch nghĩa như sau:
“ Hội xuất Thần Châu ngũ bá cao tăng thường tự tại
Linh minh thánh cảnh tam thiên đại giác nhiệm Như Lai”
Sau cổng chính, những cây dương liễu rũ nhánh soi bóng dưới cái ao sen hình bán nguyệt rộng khoảng 25m2, giữa ao tôn tượng đài lộ thiên Quán Thế Âm Bồ Tát cao gần 3 mét. Cổng trái là lối đi chính vào chùa. Bên trái có Bảo tháp to cao hơn 10 mét, là nơi yên nghỉ của cố Hòa thượng Thích Pháp Thân. Nhìn vào sâu bên trong có thêm Bảo tháp cao hơn 8 mét là nơi yên nghỉ của cố Hòa thượng Thích Hoằng Đạo và 2 tháp nhỏ của Hòa thượng Khánh Hưng, Hòa thượng Trí Đăng. Bên phải là một khoảng sân khá rộng, trên sân có miếu Ngũ Hành bên trái, Thổ Thần bên phải, ở giữa trồng nhiều hoa kiểng và nhiều chậu cây bonsai sum sê tạo một không gian an lành. 

Tượng Quán Thế Âm lộ thiên
Phía trước mặt ngôi chánh điện phần trên là ba gian cổ lầu, mỗi gian chiều ngang 4 mét với chiều cao hơn 12 mét, trên lầu tôn thờ 3 pho tượng đứng, ở giữa Đức Phật A Di Đà, bên phải tượng Đại Thế Chí Bồ Tát, bên trái tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Trên mái chia làm 3 nóc được lợp bằng vật liệu xi măng đúc thành hình vảy cá, nóc giữa mái tạo dáng tròn cạnh lục giác, trên đỉnh là hình búp sen, các đầu đao gắn cách điệu dây lá; 2 nóc hai bên đỉnh là bầu rượu, mái tạo hình phẳng cạnh tứ giác uốn cong lên, các đầu đao cũng gắn cách điệu dây lá (phần kiến trúc này đều do sự khởi ý chuẩn bị của HT. Pháp Thân và HT.Chơn Đức là người thực hiện hoàn thành vào năm 1972). Phần dưới, ở giữa 2 cửa ra vào chách điện còn an trí thêm tượng Đức Phật A Di Đà.
Ngôi chánh điện rộng 288m2, nóc cao hơn 9 mét, có 2 cửa chính đi vào, chia thành 3 gian. Là nơi được bài trí tôn thờ hơn 80 pho tượng lớn nhỏ. Bên trong là 3 điện thờ trung tâm, bên trên có treo 3 bức hoành phi khắc bằng chữ Hán ở giữa là “Hội Linh Tự”, bên trái “Tam vô tư địa”, bên phải “Thưởng thiện phạt ác” được mô tả theo những hình ảnh sau đây.
 
















Điện thờ chính ở giữa, phía trước có khung bao lam chạm khắc tuyệt mỹ cây, hoa, lá, rồng, phụng, hưu… sơn son thếp vàng, hai bên có 2 câu liễn đối: “Phật nhựt tăng huy tự hán vĩnh bình đoan tại thử, Pháp luân thường chuyển duy đường trinh quán đạo vưu thâm”. Bên trong an trí Đức A Di Đà Phật ngồi trên tòa sen cao 1,5 mét. Phía trước hai bên tôn 2 tượng đứng ông Thiện - ông Ác, ở giữa tượng Đức Địa Tạng cởi Kỳ Lân. Bậc dưới tôn tượng Đức Thích Ca Đản Sanh, 2 bên xếp 2 chân đèn và hoa, quả. Bàn phía dưới trước điện an trí tượng Đức Phật Thích Ca Niết Bàn chiều dài 1,5 mét, 2 đầu bàn xếp chuông mõ; Điện bên trái, an trí Đức Đại Thế Chí Bồ Tát thếp vàng, 2 bên đặt 4 tượng đứng 4 vị thần Kim Cang. Phía trước tôn tượng Ai Đà tiếp dẫn, 2 bên 2 tượng phán quan. Trên tủ thờ trước điện đặt tượng Quan Thánh chúng ngồi; Điện bên phải, an trí Đức Quán Thế Âm Bồ Tát thếp vàng, 2 bên 4 vị thần Kim Cang. Ở giữa đặt 2 tượng trong 10 vị thập điện và 2 tượng nhỏ 2 vị phán quan, phía trước có 1 tượng nhỏ Đức Địa Tạng đứng. Trên tủ thờ trước điện còn có thêm 2 tượng nhỏ Đức Phật Thích Ca ngồi. Ngoài ra 2 cột hai bên còn có 2 câu liễn đối: “Thiên đường chánh tu ốc lậu đổ thanh thiên, Địa ngục vô môn chỉ vị thốn tâm đa ám địa”.
Ở giữa chánh điện tôn pho tượng Đức Phật Di Lặc Bồ Tát ngồi thật to, cao 2,5 mét. Phía sau lưng Đức Di Lặc là tháp đèn Dược Sư có 49 ngọn đèn (đèn bóng có tim đốt bằng dầu lửa thắp suốt ngày đêm). Tháp đèn được gia công bằng danh mộc quý gồm 7 tầng, mỗi tầng 7 ngọn đèn được nâng bằng 7 long mộc và mỗi tầng đều có một Đức Phật dược sư an ngự. Phía sau tháp đèn là một khoảng trống nơi hành lễ của sư trụ trì.


Đức Di Lặc ngồi cao 2,5 mét

Đối diện tượng Phật Di Lặc là bàn thờ Đức Phật Thích Ca Mầu Ni ngồi trên tòa sen, bên dưới có tượng Ngọc Hoàng ở giữa, hai bên tượng Nam Tào, Bắc Đẩu và 2 tượng đứng Đức Hộ pháp, Tiêu diện Đại sĩ


Phía sau điện thờ chính là gian thờ Hậu Tổ. Ở giữa, đặt tượng thờ Đức Tổ Sư Lạc Ma và ghi 4 chữ “Truyền đăng tục diệm”, 2 bên 2 câu đối “Tây thiên khai tứ thất huệ đăng minh tổ ấn, Đông độ kế nhị tam pháp ấn hiển tông phong”; Bên phải, bên trái thờ các vị tiền bối hữu công hộ trì tam bảo. Bên trái ghi 4 chữ “Khai sơn thạc đức” và 2 câu đối “Khai sáng đạo tràng Phật pháp hưng long vạn đại, Sơn môn thạch trụ thiền gia tráng lệ thiên thu”. Bên phải ghi 4 chữ “Kế vảng khai lai” và 2 câu đối “Kế vảng phụng thừa chí nguyện tuân hành Phật hóa, Khai lai hộ đạo tâm thành bẩm giáo di ngôn”. Cả 3 bàn thờ xếp nhiều long vị các cố Hòa thượng tiền nhiệm trụ trì bổn tự và các tiền bối đã quá vãng, chạm trổ rất công phu. Ngoài ra, trên 4 cột của gian này còn treo thêm 4 câu liễn đối. Đôi giữa “Đăng diệu huy hoàng chúc thiên niên nhi vĩnh thạnh, Hương yên liêu nhiễu kỳ vạn cổ dĩ hàm hanh”. Bên trái “Đại trượng phu chích thủ bát khai sanh tử lộ”. Bên phải “Kì nam tử song mi trứu phá danh lợi quan”.

Nối tiếp chánh điện, gian thứ 2 rộng 144m2, ở giữa đặt bàn thờ Tổ quốc có ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau lưng bàn thờ Tổ quốc, treo một khung ảnh đen trắng lớn lưu niệm các đồ chúng chụp chung với Hòa thượng Huệ Đăng lúc còn sanh tiền (trong ảnh này có HT.Thích Pháp Thân).Trong khung ảnh ghi: “Đại lão Hoà thượng Huệ Đăng cùng các môn đệ chùa Thiên Thai” (Bà Rịa Vũng Tàu). Đặc biệt, gian này bên hông trái có mở một cửa rộng ra vào, do đó còn được dùng làm nơi tiếp khách và cuối gian dựng một giá gổ nâng bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Ảnh tư liệu của chùa

  

Gian thứ 3 là giảng đạo đường rộng 224m2. Gian này là nơi giảng kinh cho đồ chúng trong tự viện (gia giáo). Ngoài ra còn để thuyết pháp trong những ngày lễ hội cho đại đa số Tăng Ni, tín đồ phật tử… Phía trước ngay giữa gian 3 là bàn thờ Đức Phật Chuẩn Đề Bồ Tát. Để tưởng nhớ công lao to lớn của 2 vị Hòa thượng trụ trì đời thứ ba và đời thứ tư, 2 bên bàn thờ Chuẩn Đề an trí 2 bức di ảnh, bên phải là Hòa thượng Hoằng Đạo, bên trái là Hòa thượng Pháp Thân. Sau bàn thờ là quá đường (nơi chư tôn đức thọ trai), kế tiếp là pháp tòa (nơi chư tôn Hoà thượng thuyết pháp)… Tại gian 3 này, ở giữa còn được bài trí bức hoành phi “Giảng Đạo Đường”. Hàng cột thứ nhất có 4 câu liễn đối từ trái qua phải như:


Tịnh đức tín cao minh tấu niệm Di Đà chơn diện mục
Nghiệp duyên tăng thượng thiện chỉ quy cực lạc cố gia hương”
Đạo nguyên đại giác giáo truyền nhập thánh siêu phàm giai thọ thử
Tràng bạn bồ đề phu tọa minh tâm kiến tánh tổng tại tự”
Hàng cột giữa có 2 câu liễn đối chính của giảng đường: “Giảng vô địch pháp chi văn chánh kỳ tâm nhi thành kỳ ý tâm ý tề chi dĩ nhứt, Đường hữu thường quy chi chế trí dĩ viên hề nghĩa chi phương viên phương năng trí kỳ trung”. Nơi pháp tòa có 2 câu liễn đối treo trên 2 cột 2 bên: “Pháp diễn đại thừa vận chuyển diêm phù quy tịnh độ, Sư tuyên chánh đạo triển khai cực lạc tại ta bà”. Cuối gian 3 là bàn thờ cố Hòa thượng Thích Pháp Thân là Hòa thượng trụ trì (đời thứ tư). Gian cuối là gian phương trượng rộng 112m2, là nơi ở của Hòa thượng trụ trì.


Bên hông phải của chùa từ gian thứ 2 đến gian cuối còn có một dãy nhà trù rộng khoảng 270m2, đầu dãy là phòng truyền thống của nhà chùa, trưng bày những hiện vật có liên quan đến việc nuôi chứa cán bộ cách mạng ở tại chùa, treo nhiều huy chương, bằng khen, giấy khen và ảnh các ông bà cán bộ cách mạng có thời gian công tác tại chùa. Gian thứ 2 thờ tượng Giám Trai Sư Giả. 7 gian còn lại là nơi sinh hoạt của các chư tăng và nhà bếp, nhà ăn của bổn tự.

  

Nói chung, việc kiến trúc chùa Hội Linh không giống như kiến trúc của các ngôi chùa Phật cổ khác. Từ gian chánh điện đến các gian nối tiếp theo tạo thành một trục thẳng với chiều ngang bằng nhau, chùa được xây dựng bằng vật liệu gạch, xi măng, sắt, gổ, mái lợp ngói, nền lát gạch tàu. Kết cấu tường gạch,hệ thống vòmmái được nâng đỡ bởi những hàng cột gỗ quý 

tròn đường kính 25cm có chân đế bằng đá, trụ xi măng. Các vĩ kèo kết cấu đơn giản, làm theo kiểu nhà Trính, các cây trổng được bào láng đặt trên cối hình vuông, hình thang, đầu trổng có hình cánh dơi. Các bao lam nơi chánh điện và các điện thờ được chạm trổ rất công phu. Về họa tiết, hoa văn trang trí nhìn chung đều theo những quy ước truyền thống: Long Quy Phụng Hưu, Mai Lan Cúc Trúc Sen … 

Chùa Hội Linh tổng số hơn 100 pho tượng lớn nhỏ bằng nhiều chất liệu khác nhau: đồng, gổ, xi măng, thạch cao… trong đó có 17 pho tượng bằng gổ: Phật Chuẩn Đề 18 tay cưỡi chim Khổng Tước cao 1,82m(tính cả bệ hoa sen); tượng đứng ông Hộ Pháp cao 1,6m; 2 ông Thiện Hữu, Ác Hữu cao 1,4m, 1,3m; Ngọc Hoàng cao 0,77m; Nam Tào, Bắc Đẩu cao 0,72, 0,63m; Thập Điện, Ngũ Diện cao 0,95m, 0,85m; Bốn tượng Phán Quan cao 0,72m; Quan Công cao: 0,72m; Địa Tạng cưỡi Kỳ lân cao 1,7m (tính cả Kỳ lân); Phật Thích Ca sơ sinh cao 0,57m; tượng Giám Trai cao 0,7m. Đặc biệt, tượng ông Giám Trai. Mặc dù không lớn hơn so với các tượng khác trong chùa. Nhưng pho tượng được bố cục, chạm khắc rất tỷ mỹ vững chắc trên bệ gổ trong tư thế ngồi, thể hiện mô tã được nét đặt trưng của một con người không màng đến danh lợi, con người tự nguyện suốt đời ở trong nhà bếp của chùa để bửa củi, nấu cơm cho chúng tăng. Một tay tì trên cán búa dựng thẳng trước mặt, một tay để trước ngực, mình cởi trần, quần vận lưng, nổi bật bộ xương xẩu được cách điệu khúc chiếc, gương mặt xương thanh thoát, má lõm sâu, nhưng lại có đôi mắt sáng hoắt nhìn thẳng về phía trước. Qua các pho tượng, ta phải thừa nhận rằng cách nhìn của nghệ nhân về tỉ lệ người khá chuẩn và tay nghề rất điêu luyện, sắc xảo. Riêng tượng Giám Trai thật sự là một tác phẩm điêu khắc độc đáo.


 Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu tu học và sinh hoạt của các chư tăng và bà con phật tử trong vùng. Nhà chùa đang tiến hành khởi công xây dựng mới thêm nhà trai đường và tăng xá một trệch một lầu, có diện tích sử dụng hơn 800m2. Dự kiến đến đầu năm 2010 sẽ hoàn thành.
III. Mối quan hệ giữa chùa và xã hội.
1. Chùa Hội linh từ ngày khai sơn đến nay đã được 102 năm, so với thời gian lịch sử thì chưa phải dài. Sự hình thành và tồn tại của ngôi chùa trong khoảng thời gian này đã gắn liền với 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ xâm lược của dân tộc Việt Nam nói chung, của nhân dân Cần Thơ nói riêng. Chính vì vậy, mặc dù tại 2 cổng phụ vào chùa treo 2 tấm biển có dòng chữ “Thiền môn nghiêm tịnh” – “Hải chúng an hòa” nhưng nhà chùa cũng không thể đứng ngoài cuộc nhìn cảnh nước mất nhà tan, chúng sanh phân ly tử biệt… Từ năm 1941, chùa Hội Linh đã tiếp nhận và nuôi chứa bảo vệ ông Nguyễn Hoàng Lương một cán bộ cách mạng đã bị lộ diện ở Bình Điền chạy đến. Và từ đây, nhà chùa đã trở thành một cơ sở bí mật của cách mạng. Các Hòa thượng, tăng ni và bà con phật tử trong vùng luôn sẳn sàng che chở, đùm bọc, nuôi chứa nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng như các ông bà: Nguyễn Hoàng Lương, Lâm Hồng Quang, Thiều Quang Thể, Nguyễn Kim Hạnh, Trương Văn Biên… ở tại chùa để hoạt động nội thành từ thời kỳ tiền khởi nghĩa cho đến hết 9 năm kháng chiến chống Pháp.
Năm 1946, để  bảo vệ cơ sở cách mạng tại đây và phá vỡ ý đồ của địch chọn chùa đóng đồn để phòng thủ bảo vệ vùng ven Cần Thơ, Hòa thượng Thích Pháp Thân đã quyết định đốt một phần ngôi chánh điện. Sự hy sinh của nhà chùa thể hiện tinh thần yêu nước, bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng, của các vị Hòa thượng, các tăng ni rất cao, đã giúp cho nhiều cán bộ cách mạng tiếp tục bám trụ hoạt động bí mật trong nội thành cho đến ngày đình chiến.
Sau hiệp định Genève ký kết ngày 20/7/1954 cuộc đấu tranh của nhân dân ta chuyển sang thời kỳ đấu tranh chính trị đòi dân sinh dân chủ, đòi chánh quyền Sài Gòn nghiêm chỉnh thi hành hiệp định Genève. Chùa Hội Linh vẫn tiếp tục là cơ sở cách mạng vững chắc và bảo vệ an toàn cho nhiều cán bộ cách mạng bám trụ tại đây. Đồng thời còn là địa điểm bí mật tổ chức nhiều cuộc họp triển khai đường lối chủ trương chánh sách của cách mạng và nội dung hình thức đấu tranh công khai với địch. Kết quả cơ sở cách mạng tại chùa Hội Linh đã tổ chức được 13 hội, nghiệp đoàn như: Hội truyền bá quốc ngữ, hội tương tế… nghiệp đoàn giáo chức, nghiệp đoàn xe lôi, nghiệp đoàn nông dân, nghiệp đoàn phụ nữ mua gánh bán bưng…
Trong thời gian này địch đã tình nghi chùa Hội Linh là cơ sở “Việt cộng nằm vùng”. Chúng đã cho một trung đội lính đến bao vây nhà chùa. Mặc dù không tìm ra tang vật chứng gì, nhưng địch cũng bắt Hòa thượng Thích Pháp Thân cùng với 6 vị tăng và 6 bà con phật tử ở chung quanh chùa đi điều tra giam giữ ở nhà tù Phú Lợi đến 3 năm. Địch đã dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn rất dã man nhưng Hòa thượng Pháp Thân và các chư tăng, phật tử đều giữ vững khí tiết một lòng kiên trung với cách mạng. Cơ sở cách mạng tại chùa Hội Linh vẫn được an toàn và tiếp tục nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng cho đến ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.
Trong thời gian bị địch cầm tù tại Phú Lợi Hòa thượng Thích Pháp Thân dõng dạt nói với địch : “ … còn giặc ngoại xâm thì nhà chùa không thể tu hành được …”
Ngoài nhiệm vụ nuôi chứa và bảo vệ cán bộ cách mạng tại cơ sở của chùa. Hằng tuần, nhà chùa còn công khai tiếp đón, giúp đở, lo chu đáo về chổ ăn chổ ở cho hơn 200 gia đình thân nhân từ các nơi về đây thăm chồng con em là cán bộ chiến sỹ cách mạng bị địch bắt giam tại trại tù binh Lộ Tẻ. 
Để ghi nhớ công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của cơ sở chùa Hội Linh. Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng cho nhà chùa, các vị hoà thượng trụ trì và bà con phật tử chung quanh cơ sở Hội Linh nhiều giấy khen, bằng khen và huân, huy chương cao quý. Đặc biệt, trao tặng bằng Tổ quốc ghi công cho Liệt sỹ Dương Văn Đề (HT.Thích Pháp Thân) đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và tặng Huy chương kháng chiến hạng nhất cho chùa Hội Linh đã có thành tích trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

 
Với ý nghĩa nêu trên, Bộ Văn hóa Thông Tin có quyết định số 774/QĐBT/1993 ngày 21/6/1993 công nhận chùa Hội Linh là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.


Để bù đắp sự hy sinh và thành tích đóng góp to lớn cho sự nghiệp kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược của Chùa Hội Linh. Năm 2005, Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã cấp ngân sách 1.549.220.000đ, giao cho Sở Văn hóa Thông tin thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư tu bổ sửa chửa lại toàn bộ ngôi chùa. Công trình đến cuối năm 2006 hoàn thành.
2. Tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng và để xứng đáng là một Di tích lịch sử văn hoá được nhà nước công nhận. Chùa Hội Linh ngày nay vẫn là một cơ sở tôn giáo được đông đảo bà con phật tử đến tu học và lễ bái. Bổn tự tiếp tục hướng dẫn cho các tăng ni và bà con phật tử theo đúng con đường giáo lý của nhà Phật, nhằm góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đạo đẹp đời. Hằng tháng có tổ chức sinh hoạt thuyết giảng cho phật tử tập tu.
Hiện nay nhà chùa có 1 Hòa thượng, 1 Thượng tọa, 2 Đại đức, 1 Sa di và có hơn 500 phật tử đang theo tu học. Trong những ngày lễ lớn: rằm Thượng ngươn 15 tháng giêng; Lễ Phật Đản 15 tháng tư; Lễ rằm Trung ngươn và lễ Vu Lan 15 tháng bảy; Lễ vía Đức Phật A Di Đà 17 tháng mười một… có hàng ngàn người đến bái viếng chùa.
Hằng năm, vào mùa tuyển sinh cao đẳng và đại học, chùa Hội Linh còn là địa điểm đáng tin cậy cho các tử sỹ con em của bà con nông dân nghèo ở nông thôn lên Cần Thơ dự thi. Chùa đã nuôi cơm và lo chu đáo chổ ở cho hàng trăm em trong các ngày thi. Ngoài ra, chùa còn tích cực tham gia làm công tác từ thiện xã hội ở địa phương. Hằng năm đã phân phát gạo cho người nghèo. Cung cấp tập vở cho các học sinh hiếu học gia đình khó khăn. Ủng hộ tiền sửa chửa cầu đường và xây nhà tình thương cho người nghèo… ./.          
--------------

2. CHÙA KIM LIÊN

Phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, Tp. Cần Thơ





Chùa Kim Liên, thuộc hệ phái Bắc tông, có lối kiến trúc vừa cổ xưa, vừa hiện đại. Mặt tiền chùa quay ra đường Lê Hồng Phong, tọa lạc tại số 13/10 thuộc khu vực II, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Điện thoại số: 0710 3841206. Chùa được xây dựng trên phần đất rộng 1757m2 quay mặt về hướng Tây Nam nằm trên trục quốc lộ Cần Thơ – Long Xuyên.

Chùa Kim Liên ban đầu tu theo hệ Thiền Lâm Tế, đến năm 2003 gia nhập giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hiện nay do Ni sư Thích Nữ Như Nhẩn làm trụ trì chùa.
  
I. Lịch sử hình thành ngôi Kim Liên Tự .


 

    Theo lời kể của Ni sư Như Huyền và con cháu gia đình họ Nguyễn cùng bà con phật tử trong vùng. Chùa Kim Liên, ban đầu thuộc gia tộc họ Nguyễn, được khởi lập từ năm Đinh Mùi – 1967, do cụ Nguyễn Văn Cơ đứng ra xây cất trên phần đất nhà rộng gần 1,4 ha, lấy tên là “Kim Liên Tự”, cho người con gái thứ bảy trong gia đình tên Nguyễn Thị Kim Xuyến nương nhờ cửa Phật.
            Ban đầu ngôi chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kết hợp giữa cổ xưa và hiện đại. Tường được làm bằng gạch, mái lợp ngói xây dựng trên tổng diện tích 451m2. Trong đó ngôi chánh điện ngang 9 mét, rộng 10 mét. Nhà hậu tổ ngang 9 mét, rộng 10 mét, hai bên có 2 dãy đông lang và tây lang mỗi dãy ngang 5 mét, rộng 10 mét. Phía sau hết là khu nhà thiền và nhà bếp ngang 19 mét, rộng 9 mét.
Đến năm 2003, gia đình đã tách phần đất 1757m2 dành riêng cho chùa. Và tiến hành trùng tu sửa chữa lại những nơi bị xuống cấp, giữ nguyên hiện trạng cho đến ngày nay.
Sư cô Nguyễn Thị Kim Xuyến - pháp danh Thích Nữ Nhật Huỳnh sinh năm Bính Dần – 1926, xuất gia năm 1967 và tu tại chùa Kim Liên do phụ thân xây cất. Sư cô Nhật Huỳnh viên tịch vào ngày 03 tháng 01 năm 1984 nhằm ngày mùng một tháng chạp năm Quý Hợi. Hưởng dương 58 tuổi.
Sau khi sư cô Thích Nữ Nhật Huỳnh mất, sư cô Thích Nữ Nhật Hoà – thế danh Nguyễn Thị Thuận (chị ruột thứ 2 của sư cô Nhật Huỳnh) thay thế trụ trì chùa cho đến tháng 9 năm 2008. Tỳ kheo ni Thích Nữ Nhật Hoà - sinh ngày 12/4/1913, tại xã Long Tuyền, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, xuất gia vào ngày rằm tháng bảy năm Tân Dậu – 1981, tu tại chùa Kim Liên đến ngày mùng tám tháng giêng năm Kỷ Sửu – 2009 viên tịch - hưởng thọ 97 tuổi.
Trong thời gian từ năm 1987 đến năm 2008, do sư cô Nhật Hòa tuổi cao sức yếu, gia đình họ Nguyễn có mời Sư thầy Thích Lệ Hoa về tu tại chùa được 13 năm, năm 2000 sư thầy Lệ Hoa chuyển tu nơi khác, sau đó có sư cô Ngọc đến tu tại chùa được 8 năm cũng chuyển về tu ở quê nhà tại Tịnh xá An Huệ,Tân Quới – Tân Lược, tỉnh Đồng Tháp.
Tháng 9 năm 2008, được sự thỉnh mời của gia tộc chùa Kim Liên, Ban trị sự giáo hội Phật giáo thành phố Cần Thơ chính thức bổ nhiệm Ni trưởng Thích Nữ Như Nhẩn về làm trụ trì chùa cho đến ngày nay.



Ni sư Thích Nữ Như Nhẩn
Ni sư Thích Nữ Như Nhẩn, thế danh Khưu Thị Tái – sinh 1958 năm Mậu Tuất, tại xã An Bình – Cần Thơ, nay thuộc phường Hưng Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Xuất gia vào tháng giêng năm Mậu Ngọ - 1978, tu tại chùa Bảo An, số 49 Vỏ Văn Tần, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Sau đó về tu tại chùa Pháp Hoa – thành phố Long Xuyên khoảng thời gian 2 năm, trở về chùa Bảo An – Cần Thơ cho đến năm 2008 về làm trụ trì chùa Kim Liên. Ni sư đã tham gia nhiều khoá tu học ở chùa Pháp Hoa, chùa Dược sư Gò Vấp – thành phố Hồ Chí Minh và dự lớp bồi dưỡng trụ trì chùa tại Cần Thơ.
Bên cạnh Ni sư Như Nhẩn còn có Ni sư Thích Nữ Như Huyền (phó trụ trì chùa), thế danh Đinh Thị Lụa – sinh 1962 năm Nhâm Dần, tại xã Mỹ Phước, thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Xuất gia năm 1978 thời còn rất trẻ tại chùa Phước Huệ - Sa Đét, sau đó về tu tại chùa Pháp Hoa – thành phố Long Xuyên. 


Từ ngày xuất gia đến nay, sư cô đã tham gia khoá phật học cơ bản tại chùa Dược Sư Gò Vấp – thành phố Hồ Chí Minh, khi hoàn thành khoá học về Cần Thơ tu tại chùa Bảo An quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Ni sư Như Huyền cũng được Ban trị sự giáo hội Phật giáo Cần Thơ thuyên chuyển về chùa Kim Liên cùng thời gian (tháng 9/2008) với Ni sư Như Nhẩn, là người trực tiếp chăm lo sức khỏe cho sư cô Nhật Hòa đến ngày sư cô về với Phật. Và cùng với Ni sư Như Nhẩn điều hành toàn bộ mọi phật sự tu niệm lễ bái của chùa. Ni sư Như Nhẩn và Ni sư Như Huyền cùng được tấn phong Ni sư vào năm 2008.   
                                                       Lễ nhập tự của Ni sư Như Nhẩn

II. Những đặc điểm chính của chùa.
Mặc dù ban đầu là một ngôi chùa gia đình nhưng đã được xây dựng hết sức quy mô. Ngoài đường Lê Hồng Phong nhìn vào, chùa có cổng tam quan khá khang trang chiều ngang rất rộng và cao gần 7 mét.  Ngôi chánh điện rộng 90m2 có 2 cửa chính đi vào. Trên ban công mặt tiền xây bức tường tạo dáng vòm tròn đắp tên chùa chữ nổi “KIM LIÊN TỰ”. Trên sân có cột cờ cao 12 mét, treo 2 lá cờ Nước và cờ Phật, chung quanh cột cờ có trồng nhiều cây bonsai, xếp nhiều chậu cây hoa, kiểng xum xê rợp bóng. Phía trước chánh điện có đài Quán Thế Âm Bồ Tát lộ thiên cao 2 mét. 

Bên trong chánh điện rộng thoáng, từ cửa nhìn vào điện thờ được bài trí ngay chính giữa có bao lam chạm khắc hoa văn sơn son thếp vàng. Trên ban thờ tôn tượng Phật Thích Ca Mầu Ni uy nghiêm ngồi trên tòa sen cao 2 mét, trước bức tranh phong cảnh có cây Bồ Đề, phía trước xếp tượng Phật A Di Đà đứng trên tòa sen cao o,7 mét và 3 tượng nhỏ, ở giữa Phật Thích Ca ngồi, hai bên 2 tượng đứng Phật A Di Đà . 


Bậc thứ hai, xếp thêm một tượng Phật đản sanh nhỏ và tượng Phật Di Lặc Bồ Tát, hai bên đặt bình hoa và trái cây. Bậc thứ ba, ở giữa đặt lư hương hai bên xếp chuông mõ. Bật thứ ba, đặt lư hương ở giữa hai bên là chuông, mõ.

Bên phải đặt bàn thờ tượng Phật Bồ Tát Địa Tạng đứng trên tòa sen cao 2 mét. Bên trái đặt bàn thờ tượng Quán Thế Âm Bồ Tát đứng trên tòa sen cao 2 mét.

Phía đối diện, chính giữa là bàn thờ đặt hai tượng Đức Hộ Pháp di đà và Tiêu Diện đại sĩ. Bên vách phải đặt một khánh trống lớn. Bên vách trái sát cửa vào đặt một khánh chung đồng to, trên chân khánh có treo các bài kệ khai chung và thâu chung khuya, sáng, chiều, tối :
 


Khai chung khuya
Thập phương Tam Thế Thất Như Lai
Bát thập bát Phật tọa bảo đài

Thập địa chúng sanh mong giải khổ
Cửu ưu thập loại thoát trần ai
Nam Mô Siêu Thập Địa Bồ Tát   
(lập lại 3 lần)
Thâu chung khuya
Năm canh chung đóng chớ mê man
Phủi giủ lòng son đến trước bàn
Mỗi câu mỗi niệm danh hiệu Phật
Ao sen đã trổ một bông vàng
Nam Mô Định Tâm Vương Bồ Tát
(lập lại 3 lần)


Khai chung sáng

Nghe chung tinh tấn chuyên niệm Phật

Nguyện đức Minh Vương cứu khổ nàn

Tay cầm châu báo tích trượng vàng

Dộng tan địa ngục độ toàn chúng sanh

Khắp trong ba cỏi an lành

Đều nhờ nguyện lực độ sanh của Ngài

Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát

(lập lại 3 lần)

Thâu chung sáng

Nghe chung tiêu dứt nghiệp não phiền

Tăng trưởng Bồ Đề trí huệ viên

Hầm lửa thoát ra lìa địa ngục

Chúng sanh thành Phật số vô biên

NamMô Định Tâm Vương Bồ Tát(lập lại 3 lần)
Khai chung chiều
Mộ thời chung động nguyện chư linh
Tốc phó liên đài thoát địa minh
Nghiệp chướng tận trừ quy lạc quốc
Vãng lai tam giới độ mê tình
 

Nam Mô Siêu Lạc Độ Bồ Tát (lập lại 3 lần)
Thâu chung chiều
Nghe chung thức giấc cõi Ta Bà
Danh lợi buộc ràng nguyện thoát ra
Nếu mất thân người thôi khó gặp
Cần lo giải thoát niệm Di Đà
Nam Mô A Di Đà Phật (lập lại 3 lần)
Khai chung tối
Hồng chung sơ khấu bảo kệ cao âm
Thượng thông thiên đường hạ triệt địa phủ
U minh giáo chủ cứu khổ bổn tôn
Cứu Bạt Minh Đồ Đại Thánh Địa Tạng Vương Bồ Tát
Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát (lập lại 3 lần)
Thâu chung tối
Sơ canh dĩ đáo vô thường tấn tốc
Ngưỡng lao đại chúng an tọa tịnh chung
Văn chung thinh nhứt tâm kế niệm
A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật (lập lại 3 lần).

Khu nhà Hậu tổ, giữa đặt bàn thờ chính có bức tranh Đức Tổ Sư Đạt Ma, phía đối diện giữa trung tâm đặt bàn thờ tượng Bồ Tát Chuẩn Đề, phía sau là bàn thờ hai sư cô trụ trì. Vách bên phải đặt bàn thờ gia tộc họ Nguyễn, vách bên trái đặt bàn thờ phật tử bá tánh. 



Bàn thờ Hậu Tổ



Bồ Tát Chuẩn Đề

III. Mối quan hệ nhà chùa và xã hội.
Từ năm 2008 đến nay, nhà chùa đã tiến hành định kỳ các ngày lễ lớn: rằm thượng Ngươn, rằm trung Ngươn, rằm hạ Ngươn và ngày lễ Phật đản tháng tư. Hiện nay chùa đã tiến hành mở khóa tu niệm Phật một ngày an lạc, định kỳ mỗi tháng một lần, có 200 đến 300 phật tử trong vùng về tu học.



Ảnh tư liệu của chùa
Nhà chùa còn tham gia tích cực công tác từ thiện xã hội với chính quyền địa phương, đóng góp tiền làm cầu đường, xây nhà tình thương, tham gia vào hội khuyến học tặng tập viết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn khoảng 20 triệu đồng/năm. Phân phát gạo cho người nghèo trong các dịp lễ tết khoản 2 tấn gạo/năm. 
Trước đây chùa gần như không có phật tử, hiện nay (năm 2009) đã có hơn 300 phật tử đang theo tu học tại chùa, nhờ khuôn viên nhà chùa rộng rãi thoáng mát, nên các dịp ngày lễ, tết đã có hàng ngàn bà con phật tử gần xa đến tham quan, cúng viếng Phật tại chùa. Đồng thời bà con đã phát tâm cúng dường nhiều tiền của, giúp cho nhà chùa sửa sang tu bổ lại các công trình phụ như: nhà bếp, nhà ăn và xây dựng mới 10 cầu vệ sinh công cộng phục vụ cho tăng ni, phật tử đến tu học sử dụng./.


3.  LONG QUANG CỔ TỰ

Phường Long Hòa, quân Bình Thủy, Tp.Cần Thơ

----------------------------------



Long Quang Cổ Tự, tên thường gọi chùa Long Quang - thuộc hệ phái Bắc tông. Khung viên chùa 7.000m2 nằm trên diện tích đất 11.700m2, tọa lạc tại số 155/6, khu vực Bình Chánh, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Điện thoại số 0710 3841805.  Hiện nay do Đại đức Thích Bình Tâm làm trụ trì.


 





Lịch sử hình thành ngôi chùa.
Theo lời của trụ trì và những tư liệu còn lại của chùa, đồng thời có tham khảo tư liệu hồ sơ di tích về chùa tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ thì chùa Long Quang được khởi nguyên từ năm Ất Dậu 1824 – năm Minh Mạng thứ V. Vị trí khung viên của chùa tại thôn Bình Thủy (nằm trên ba phường Long Hoà, Long Tuyền, Bình Thủy hiện nay), thuộc tổng Định Thái, huyện Vĩnh Định; Sang đời Tự Đức và thời Pháp thuộc đổi thành tổng Định Thới, huyện Ô Môn; Đến năm 1954, địa danh trên đổi thành ấp Bình Phó, xã Long Tuyền, tỉnh Phong Dinh; Sau năm 1975, chùa thuộc ấp Bình Nhựt B, xã Long Tuyền, thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang; Năm 1992, tỉnh Hậu Giang chia làm 2 tỉnh (Cần Thơ, Sóc Trăng) thì vị trí chùa nằm tại ấp Bình Nhựt B, xã Long Hòa, thành phố Cần Thơ, tỉnh Cần Thơ và hiện nay là khu vực Bình Chánh, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.
Kể lại rằng, thuở ban đầu ở đây còn hoang sơ, Phật giáo chưa được phổ biến rộng rãi. Khoảng năm Mậu Thìn 1807 (năm Gia Long thứ VI), trong thôn có một cậu bé tên Võ Văn Quyền mới lên 10 tuổi, đã dốc lòng cầu đạo, lặn lội tìm tới chùa Linh Quang ở Gia Định quy y, được Hòa thượng Thiên Ấn nhận làm đệ tử - đặt pháp danh Liễu Huệ. Sau 10 năm thọ pháp tu học, từ chú tiểu Liễu Huệ phát nguyện thế độ, rồi thọ đại giới. Năm 20 tuổi, sư Liễu Huệ cầu chánh pháp nhãn tạng và được pháp hiệu Thiện Quyền. Thiền sư Thiện Quyền tiếp tục vân du cầu học với nhiều Chư Tôn Đức khắp các sơn môn như Chùa Giác Lâm ở Gia Định, chùa Huê Nghiêm ở Thủ Đức… được các Tổ sư thời bấy giờ trao truyền hết nội ngoại điển. Đến năm Ất Dậu 1824, Ngài mới trở về quê quán dựng một thảo am nhỏ để tu hành và truyền bá Phật pháp.
 
5 năm sau, năm Canh Dần 1829 – năm Minh Mạng thứ X, có nhiều tín đồ quy y thọ giới. Thiền sư Liễu Huệ phát nguyện chuyển cái thảo am nhỏ, để xây dựng thành một ngôi chùa. Được đông đảo bà con phật tử đồng lòng góp sức, đến năm Bính Thân 1835, ngôi chùa cất bằng gổ, lợp ngói cơ bản hoàn thành. Ngài đặt hiệu là “LONG TRƯỜNG TỰ”, với ước nguyện cầu mong ngôi chùa bền như trời đất, vững như núi sông theo ý của câu đối Hán tự “Dữ thiên địa long hưng – Hoà sơn hà trường cửu”. Sau đó, Thiền sư gởi đơn tấu lên vua Minh Mạng, xin cho phép duy trì ngôi chùa và giữ giới tu hành. Đơn tấu đã được nhà vua chấp nhận và ghi vào sổ bộ của triều đình vào ngày mồng 9 tháng 10 năm Đinh Dậu - 1836. Cùng thời gian này, thân mẫu của bà Đặng Thị Tây và ông Đặng Văn Khánh, hiến cúng dường thêm một phần đất, để mở rộng thêm diện tích cho nhà chùa có được cho đến bây giờ. Thiền sư Liễu Huệ (Võ Văn Quyền) đã sống hết lòng với sự tu hành tại chùa cho đến khi mản phần. Có thể coi chùa Long Trường thời ấy là ngôi chùa có cao Tăng đầu tiên ở khu vực Cần Thơ.
Sau khi Thiền sư Liễu Huệ qua đời, đến khoảng năm Kỷ Mùi 1859, có nhà sư Trần Quảng Hiền về trụ trì. Lúc bấy giờ ngôi chùa bị hư hỏng nặng, sư Quảng Hiền tập trung xây dựng lại ngôi chùa, đến khoảng năm 1860, 1861 hoàn thành và đổi tên lại là “LONG QUANG TỰ” với mong muốn đem lại ánh sáng ấp áp, mang đến niềm vui, hạnh phúc thịnh vượng cho mọi người.
Đến năm Ất Sửu 1889, có Hòa thượng Từ Quang - pháp hiệu Ngộ Cảm, về trụ trì chùa, ông là nhà sư nhưng cũng là một thầy thuốc nam rất giỏi. Trong thời gian 33 năm sống và tu ở đây Hoà thượng Từ Quang đã coi mạch bốc thuốc chữa bệnh cho rất nhiều người dân. Với tài năng đức độ đó, Hòa thượng được bà con nhân dân nơi đây rất mực tôn kính. Hoà thượng viên tịch vào năm Nhâm Tuất 1924, hưởng dương 49 tuổi.
Sau khi Hoà thượng Từ Quang mất, nhà sư Đặng Văn Vị - pháp danh Trí Thới, huý hiệu Chơn Khương (đệ tử của Hoà thượng Từ Quang) trông coi ngôi chùa. Đến năm Canh Ngọ 1930, ngôi chùa đã bị xuống cấp trầm trọng, sư Trí Thới đã được các thân hào nhân sĩ và bổn đạo trong địa phương cúng dường nhiều tiền của để tái thiết lại ngôi chùa. Cuối năm 1930 chùa được xây dựng hoàn thành với qui mô kiên cố tường gạch, mái lợp ngói gồm một ngôi chánh điện có 3 gian rộng rải và một nhà khói. Bên trong chánh điện tôn trí lại bộ tượng thờ của Thầy Tổ để lại trang nghiêm cân đối hài hòa đẹp mắt. Cùng thời gian này, trong chùa có 6 vị nhà tu và hàng trăm người thường xuyên đến chùa lễ bái. Để tránh tai mắt của nhóm Hương Chiếu Hội Tề ở Bình Thủy dòm ngó, làm khó dể, sư Trí Thới mời ông Tòng Hiên (là chiến sĩ Văn Thân ở Quảng Ngãi chạy vào Nam lánh nạn) đến ở tại chùa vừa dạy thuốc, dạy chữ vừa truyền bá tư tưởng yêu nước cho nhân dân ở địa phương. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động này bị bọn mật thám của chánh quyền đô hộ nghi ngờ, nên ông Tòng Hiên phải lánh qua chùa Long Phước ở Nha Mân – Sa Đét, nhưng cũng bị giặc phát hiện, ông Tòng Hiên phải trở lại chùa Long Quang lần thứ hai, được nhà chùa bảo bọc cho đến mười năm sau ông mới trở về Quảng Ngãi.
Đến năm Ất Dậu 1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Sau khi chiếm đóng Cần Thơ (tháng 10/1945) để mở rộng vùng kiểm soát chúng tìm kiếm những nơi có đình chùa lớn để đóng đồn bót. Sư Trí Thới là nhà sư yêu nước, đã hưởng ứng phong trào tiêu thổ kháng chiến chống Pháp xâm lược. Nhà sư cùng bổn đạo thỉnh bộ tượng Phật xuống thờ ở nhà khói, tháo giỡ toàn bộ ngôi chánh điện. Đồng thời hiến quả đại hồng chung cổ của chùa cho cách mạng để lấy đồng làm đạn chống giặc ngoại xâm. Và chùa Long Quang còn là cơ sở nuôi chứa nhiều cán bộ cách mạng hoạt động nội thành. Sư Trí Thới sử dụng nhà khói để lưu giữ bảo vệ bộ tượng thờ của Thầy Tổ để lại và tu ở đó đến ngày 13 tháng 7 năm 1963 viên tịch, hưởng thọ 85 tuổi.
Năm Giáp Thìn 1964, bà Hai Đức và bà con phật tử thỉnh mời Thầy Chơn Khánh (ông Nguyễn Văn Phước), pháp danh Thiện Hiếu – tục gọi ông Bảy Phúc (là đệ tử cầu pháp của Hòa thượng Pháp Thân - chùa Hội Linh) người ở ấp Bình Thường, xã Long Tuyền về trông coi chùa và  nhang  đèn kinh kệ  sớm hôm. Lúc bấy giờ ngôi nhà khói xuống cấp hư hỏng nặng, được bà con nhân dân trong vùng ủng hộ, thầy Chơn Khánh sử dụng vật liệu tháo gở chùa trước đây còn lại, tiến hành xây cất lại ngôi chùa trên nền cũ. Khi chùa xây gần xong, bị bom đạn Mỹ bắn phá hư hại hoàn toàn. Thầy cùng với bà con tổ chức đấu tranh quyết liệt, buộc Mỹ và chánh quyền Sài Gòn phải đến bù vật liệu để xây dựng lại chùa. Đến năm Bính Ngọ 1966, ngôi chánh điện đã được xây xong. Thầy Thích Chơn Khánh trụ trì và tu ở chùa được gần 20 năm, viên tịch năm 1983. Đến năm 1987, mái tôn cũ bị mục, bà con trong xóm tháo bỏ tôn lợp lại bằng ngói.


Sau khi Thầy Chơn Khánh mất, gần 10 năm nhà chùa không có ai trụ trì. Việc nhang đèn được bà con phật tử ở gần trông coi. Mãi đến năm Nhâm Thân 1992, được sự thỉnh cầu của bà con phật tử, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Cần Thơ bổ nhiệm Đại đức Thích Bình Tâm về trụ trì chùa.

 


Đại đức Thích Bình Tâm, thế danh Nguyễn Thanh Phong - sinh năm Giáp Thìn 1964, tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền, Cần Thơ. Từ nhỏ đã sống và sinh hoạt trong nhà chùa gia đình ở Nhà Bàn, Tịnh Biên, Châu Đốc – An Giang. Đại đức Bình Tâm xuất gia năm 1988 và tu học tại Thiền viện Thường Chiếu, Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Trong thời gian 5 năm tu học, rèn luyện gia công gia hạnh, được quý sư Thầy Hoà thượng Bổn viện quý mến yêu thương tận tâm trao truyền Phật pháp, đến năm 1992 mới trở về Cần Thơ. Được Giáo hội Phật giáo tỉnh Cần Thơ bổ nhiệm về làm trụ trì chùa Long Quang cho đến ngày nay. Hiện nay ngoài công việc trụ trì chùa, Đại đức Bình Tâm còn tham gia và giữ nhiều chức vụ trong Giáo hội như Phó ban đại diện Phật giáo quận Bình Thủy; Chánh thư ký Ban trị sự, kiêm Trưởng ban Văn hoá Phật giáo của thành hội Giáo hội Phật giáo Cần Thơ. Đại đức Thích Bình Tâm là một vị sư trẻ, đạo cao đức trọng, bản thân hăng hái trong hoạt động Phật sự nên có nhiều uy tính trong Giáo hội, đồng thời được đông đảo bà con phật tử kính mến.
Những đặc điểm chính ngôi chùa
 1. Khởi nguyên từ một thảo am nhỏ bé. Đến năm Canh Dần 1829, mới chuyển thành ngôi chùa, từ năm Bính Thân 1835 có tên LONG TRƯỜNG TỰ (1835 – 1860), năm Canh Thân 1860 được đổi lại là LONG QUANG TỰ (1860 – 1966), đến năm Bính Ngọ 1966 có tên gọi LONG QUANG CỔ TỰ cho đến ngày nay.

“Long Quang Cổ Tự” - đúng như tên gọi, từ ngày khởi nguyên đến nay ngôi chùa đã tròn 185 tuổi. So với thời gian lịch sử thì chưa phải dài, tuy nhiên từ ngày ra đời đến nay chùa Long Quang đã cùng với quê hương đất nước trãi qua hai cuộc chiến tranh ác liệt chống Pháp và Mỹ xâm lược. Nhìn chung, dù phải trải qua nhiều biến cố trong lịch sử nhưng nhà chùa vẫn là nơi tu dưỡng tâm linh thanh tịnh cho các nhà sư và nhân dân trong vùng. Đồng thời, còn là nơi cưu mang, nuôi chứa nhiều cán bộ cách mạng, là nơi ủng hộ kháng chiến và góp công góp sức chống giặc cứu nước. Với những đặc điểm và thành tích nêu trên, chùa Long Quang đã được Bộ Văn hoá Thông tin - nước Cộng hoà XHCN Việt Nam công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia vào ngày 21/6/1993. 
Ban đầu các vị sư của chùa tu theo hệ phái “Thiền Lâm Tế” du nhập từ Trung Quốc sang, nhưng nhà chùa không chỉ thờ duy nhất tượng Phật Tổ mà trong chùa tôn trí thờ rất nhiều tượng Phật theo phong cách chùa Phật ở Việt Nam. Hiện nay nhà chùa đã gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chuyển thành hệ phái Bắc tông.
2. Vị trí khuôn viên chùa khá rộng (7000m2) nằm cặp con đường làng của Rạch Phố Chùa (hướng bên trái từ Bình Thủy đi vào). Chùa được xây dựng lại lần gần nhất vào năm Bính Ngọ 1966 và được Nhà nước CHXHCN Việt Nam cấp kinh phí hơn 150 triệu đồng để trùng tu lại ngôi chánh điện vào năm 1994. Và từ ấy đến nay, nhà chùa được tiếp tục xây dựng mới và mở rộng thêm các khu giảng đường, trai đường, thiền đường, tăng đường, khu hoa viên, vườn tháp… ước tính kinh phí hơn một tỷ đồng do bà con phật tử gần xa cúng dường.
 


Nhìn từ ngoài, mặt tiền chùa khoảng 50 mét được xây hàng rào bằng song sắt, bên trái là cổng tam quan bề thế với hai tầng mái ngói, đầu mái uốn công có gắn hoa văn, hai bên nóc gắn cặp bạch long ngẩng cao đầu quay ngược vào bánh xe pháp luân ở giữa. Cổng giữa, bên trên đắp nổi dòng chữ nhỏ “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” ở giữa “LONG QUANG CỔ TỰ” bên dưới là “xã Long Hòa – Tp.Cần Thơ” tất cả đều bằng chữ Việt; cổng nhỏ bên trái gắn hai chữ “TỪ BI”, bên phải gắn hai chữ “TRÍ TUỆ”; hai cột giữa gắn hai câu liễn đối bằng chữ Hán, dịch nghĩa như sau:

Long đức phổ thập phương, Phật đạo hoằng thâm chánh giáo

Quang minh chiếu tam giới, thiền lâm quãng nhuận chân truyền”.




                                                                     Bia lưu niệm Di tích
Trên sân chùa, ở giữa xây một hồ nổi nhỏ trồng sen, chung quanh vách hồ gắn những cánh hoa sen cách điệu. Phía trước cửa chùa dựng một bia lưu niệm ghi tóm tắc nội dung công nhận nhà chùa là di tích lịch sử - văn hóa và ngày trùng tu lại ngôi chánh điện. Phía bên phải sân, dựng tượng đài Quán Thế Âm Bồ Tát lộ thiên cao hơn 4 mét.

Ngôi chánh điện ở giữa, xây theo lối kiến trúc Thượng lầu Hạ yên rộng 324m2, Vách bằng tường gạch, mái lợp ngói - trùm cã 4 phía hành lang chung quanh, bên dưới đóng trần và mái được xây bao bọc bằng hệ thống máng xối bê tông, trang trí cánh hoa sen cách điệu. Ngôi chánh điện được thiết kế có tất cả năm cửa ra vào, hai cửa chính phía trước, một cửa sau và  hai cửa phụ hai  bên hông . Ngay giữa
trung tâm là điện thờ chính. Phía trước điện thờ chính, bên trên treo bức hoành phi bằng gổ được chạm trổ mềm mại như một tấm lụa căng ngang, ở giữa gắn bốn chữ Hán “ĐẠI HÙNG BẢO ĐIỆN”; bên dưới gắn khung bao lam cũng được chạm trổ hoa văn tinh xảo thếp vàng, hai bên gắn hai câu liễn đối cũng bằng chữ Hán: 

Long thượng diễn chân thừa tiếp dẫn thập phương quy giác lộ
Quang minh khai nhãn tạng đề huề tứ chúng xuất mê tân ” 

Trên sân chùa, ở giữa xây một hồ nổi nhỏ trồng sen, chung quanh vách hồ gắn những cánh hoa sen cách điệu. Phía trước cửa chùa dựng một bia lưu niệm ghi tóm tắc nội dung công nhận nhà chùa là di tích lịch sử - văn hóa và ngày trùng tu lại ngôi chánh điện. Phía bên phải sân, dựng tượng đài Quán Thế Âm Bồ Tát lộ thiên cao hơn 4 mét.

Ngôi chánh điện ở giữa, xây theo lối kiến trúc Thượng lầu Hạ yên rộng 324m2, Vách bằng tường gạch, mái lợp ngói - trùm cã 4 phía hành lang chung quanh, bên dưới đóng trần và mái được xây bao bọc bằng hệ thống máng xối bê tông, trang trí cánh hoa sen cách điệu. Ngôi chánh điện được thiết kế có tất cả năm cửa ra vào, hai cửa chính phía trước, một cửa sau và  hai cửa phụ hai  bên hông .

Ngay giữa trung tâm là điện thờ chính. Phía trước điện thờ chính, bên trên treo bức hoành phi bằng gổ được chạm trổ mềm mại như một tấm lụa căng ngang, ở giữa gắn bốn chữ Hán “ĐẠI HÙNG BẢO ĐIỆN”; bên dưới gắn khung bao lam cũng được chạm trổ hoa văn tinh xảo thếp vàng, hai bên gắn hai câu liễn đối cũng bằng chữ Hán:

Long thượng diễn chân thừa tiếp dẫn thập phương quy giác lộ

Quang minh khai nhãn tạng đề huề tứ chúng xuất mê tân ”



 



Điện thờ Phật  trung tâm

Điện thờ chính được đóng bằng gổ có 2 bậc. Bậc cao kê 3 ghế thờ, tôn trí ba pho “Tam Thế Phật” ngồi, bằng gổ cao hơn 1 mét, ở giữa tôn trí Đức Bồ Tát A Di Đà, bên trái Bồ Tát Đại Thế Chí, bên phải Bồ Tát Quán Thế Âm; bậc thấp tôn tượng Di Lặc Bồ Tát miệng cười tươi vui vẽ và được các nghệ nhân gắn thêm 6 đứa trẻ leo trèo bên hông, trên tay, trên vai Bồ Tát, đứa thổi sáo, đứa ngoáy tai… vui đùa với Đức Phật; phía trước xếp tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn, bằng gổ dài một mét, được chạm trổ hoa văn tuyệt mỹ; phía trước nữa xếp lư hương, hai bên xếp hai chân đèn và hai bục dĩa dùng đựng hoa quả. Tất cả đều bằng gổ. Trước điện thờ đặt một lư hương lớn thếp vàng, hai bên có hai ghế đôn bài trí chuông và mỏ…

Đối diện điện thờ chính là bàn thờ Hộ Pháp và Ông Tiêu. Hai bên là hai cửa ra vào. Góc tường hai bên cửa, một bên thờ ông Thiện và để Hồng chung, một bên thờ ông Ác và để trống. Sát vách bên phải, trên kệ dài bày trí 9 tượng La Hán, kế tiếp bàn thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, phía sau là bàn thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, hai bên có Nam Tào, Bắc Đẩu. Sát vách bên trái, trên kệ dài bày trí 9 tượng La Hán (đối diện với 9 tượng bên phải), kế tiếp bàn thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, hai bên có Thiên Tài, Đồng Tử. Phía sau điện thờ chính là bàn thờ Hậu Tổ. Phía trên là tượng Chuẩn Đề Bồ Tát ngồi trên lưng chim hạt, bên dưới có tượng Đức Tổ Sư Đạt Ma, chung quanh bày trí các long vị, các bức di ảnh của các cố Hoà thượng trụ trì chùa. Đối diện bàn thờ Hậu Tổ ở giữa là cửa sau của chùa. Sát vách hai bên cửa đặt hai bàn thờ, bên phải thờ các tượng Bồ Đề Đạt Ma, Quang Công và Giám Trai, bên trái thờ các tượng Viêm Dương, Long Vương và Phán quan… 

Nhìn chung, phần nội thất bên trong chánh điện rộng thoáng, sáng sủa. Cách bày trí các ban thờ hài hòa tôn nghiêm. Toàn bộ gần 50 pho tượng trong chánh điện đều làm bằng gổ quý, được các nghệ nhân chạm khắc rất công phu và được lưu giữ đến ngày nay đã gần 100 năm. Đặc biệt, là nhóm tượng 18 vị La Hán, mỗi tượng cao 80cm, có tư thế ngồi khác nhau, tạo cho người xem hai điểm chú ý. Thứ nhất, các vị La Hán đầu đội mũ “Từ Lư” và mặc áo tràng, không mặc áo cà sa hay đắp y bát, biểu hiện các nghệ nhân miêu tả tượng theo truyền thuyết Phật giáo Trung Hoa. Thứ hai, mỗi vị La Hán được bố trí ngồi trên một con thú khác nhau, tay cầm một bửu bối khác nhau, sắc mặt của từng vị và mặt của từng con thú cũng được đặc tả khác nhau… điều này nói lên nghệ nhân đã lột tả được cảm xúc, trạng thái, tính cách của mỗi nhân vật theo từng trường hợp và điều kiện khi được chứng quả La Hán. Nói chung, trên từng pho tượng có những đường lượn, nét ngang, xéo… để tránh nhàm mắt, nhưng không bị phá cách mà còn tạo được sự uyển chuyển, mềm mại tập trung gom vào gương mặt làm nổi bật tư tưởng: đạt được cảnh giới thiện và trạng thái nhập định không gì lay chuyển. Đây có thể xem là nét đặc điểm chính về nghệ thuật điêu khắc gổ các tượng Phật ở chùa Long Quang. 






                                                 18 vị Bồ Tác La Hán

Phía sau chánh điện, cách một khoảng sân sau là dãy nhà Thiền đường rộng 270m2, trên sân sau ở giữa có hồ sen nổi tôn tượng Quán Thế Âm nhỏ, 2 bên có nhiều tán cây bonsai, nhiều hoa kiểng và 2 chậu lớn trồng hoa sen… ; khu vực bên trái, phía trước là thất trụ trì, phía sau là giảng đường rộng 180m2, phía sau nửa là nhà trai đường và khu nhà kho rộng trên 400m2;khu vực bên phải là nhàTăng đường rộng 150m2; sau nhà Thiền đường là khu Tháp rộng hơn 200m2, nơi an nghỉ của các vị cố Hòa thượng trụ trì chùa trước đây.

Khu vườn Tháp là một khuôn viên rộng hơn 2000m2, trồng rất nhiều hoa kiểng, cây bonsai, cây ăn trái… có nhiều con đường nhỏ tráng xi măng xẻ dọc ngang, có những ngôi nhà mát hình tròn, hình lụt giác rải rát trong khu vườn, làm chổ dừng chân cho bà con phật tử, cho khách thập phương đến vãng cảnh chùa. Tạo nên một không gian yên tịnh, thoáng mát, an lành.






3. Chùa Long Quang hiện nay còn là nơi để cho các câu lạc bộ gia đình phật tử tổ chức sinh hoạt cho thiếu nhi như:

Bên hông phải chùa, dưới táng cây cổ thụ là một khoản sân khá rộng, hằng tuần vào sáng ngày chủ nhật có khoảng 30, 40 cháu thiếu nhi con em của bà con phật tử xung quanh tựu tập đến đây để : học hát, học giáo pháp và tổ chức nhiều trò vui chơi giải trí…




 Giờ sinh hoạt trò chơi tập thể

 Giờ học hát tập thể

4. Hiện nay chùa Long Quang có hơn 1800 phật tử theo tu (có thể xem là ngôi chùa có đông phật tử nhất ở quận Bình Thủy hiện nay). Có 5 đại đức và một Sa Di đang tu tại chùa. Ngoài các lễ định kỳ trong năm như rằm Thượng Ngươn, Lễ Phật Đản, rằm Hạ Ngươn kết hợp với Vu Lan báo hiếu… có 2000 đến 3000 người đến cúng viếng chùa, nhà chùa còn tổ chức một tháng một lần ngày Thọ Bát Quan Trai cho hơn 100 phật tử về dự học. Ngoài ra chùa còn tích cực đóng góp, tham gia nhiều lĩnh vực từ thiện xã hội như: tiền xây dựng cầu đường, quỹ người nghèo, xây nhà tình thương… hằng năm số tiền hơn 40 triệu đồng và phân phát 10 tấn gạo cho người nghèo ở địa phương./.

---------------

4. Chùa Liên Trì 


Phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, Tp.Cần Thơ

--------------- 
Chùa Liên Trì – còn gọi là Liên Trì Cổ Tự, có khuông viên trên 3000m2 nằm trên một diện tích đất rộng 21.000m2, tọa lạc tại số 10/15, tổ 9, khu vực Thới Thạnh, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Điện thoại số 0710 3886150. Hiện nay chùa thuộc hệ phái Bắc tông, do Thượng tọa Thích Thiện Tài làm trụ trì.
Cảnh Chùa Liên Trì



I. Lịch sử hình thành ngôi chùa.
Theo lời kể của Thượng tọa Thích Thiện Tài trụ trì chùa và bà con phật tử trong vùng, kết hợp với nguồn tư liệu ít ỏi của chùa. Cách đây gần 200 năm, vào đầu thế kỷ XIX, năm Nhâm Thân – 1812 (năm Gia Long thứ 11). Tại vùng đất nầy còn rất hoang sơ, Bà con người dân tộc Kh’mer cùng với các Sư sãi dựng lên ngôi Tự viện trên một gò đất cao, để tu học và giáo pháp theo Phật giáo truyền thống Nam tông Kh’mer. Ban đầu chùa còn rất đơn sơ cột cây mái lá và chưa có tên, chỉ biết theo cách gọi truyền miệng với nhau là “Chùa ông Lục”.
Khoảng thời gian sau, vùng đất này có nhiều người Kinh đến định cư sinh sống, người Kh’mer và các sư sãi dần dần chuyển sang vùng kế cận, từ đó ngôi chùa nhỏ và mấy chiếc thảo am vắng lạnh không người trông coi nhang khói. Đến năm Nhâm Ngọ - 1822 (năm Minh Mạng thứ 3), có vị Thiền sư Liễu Thông, tự Chơn Giác thuộc dòng Thiền Lâm Tế (đời thứ 37) tình cờ vân du đến đây thấy ngôi chùa đìu hiu chạnh lòng, Ngài vận động bà con dân làng cùng sửa sang lại, với bổn nguyện xuyễn dương đạo pháp và thu nhận thêm nhiều vị tăng đến cùng tu học. Theo các Long vị còn lưu lại trên bàn thờ Tổ, chúng ta thấy các Vị như: sư Liễu Huệ - tự Hoằng Lý, sư Minh Thông - tự Hải Huệ… Lúc bấy giờ, pháp hiệu ngôi chùa do Thiên sư Liễu Thông đặt là “ Chùa Kè Ba” (vì xung quanh chùa có nhiều cây Kè, trong đó trước cửa chùa có một cây Kè có ba đọt). Với ý nghĩa, lấy hình ảnh cây Kè ba đọt để biểu hiện lên ánh sáng Thiền Đăng cùng với tiếng chuông giáo lý ngân nga, hòa mình cùng dân tộc, để an ũi xoa dịu những nổi khổ đau của kiếp nhân thế. Tuy nhiên, khoảng thời gian này chỉ kéo dài được mười mấy năm, do nhiều hoàn cảnh và nhiều lý do, quý Thầy lần lượt rời chùa. Ngôi chùa vắng lạnh chỉ còn bà con phật tử trong làng thay nhau nhang khói.
Đến năm Kỷ Dậu - 1849 (năm Tự Đức thứ 3) có Thầy du tăng pháp danh Thiện Quả, người cao lớn mập và đen (tục gọi ông Đạo Quạ) đến sửa sang lại ngôi chùa, thu nhận đệ tử, hành đạo và trụ trì chùa được 9 năm, vào năm Mậu Ngọ - 1858 Thầy Thiện Quả đi hành đạo nơi khác nên Thầy truyền trụ trì lại cho đồ đệ tên là Thầy Hai người ở Trà Cú (Trà Lòng) pháp danh …. tiếp tục trông coi chùa được 18 năm, đến năm Bính Tý – 1876 Thầy Hai viên tịch hưởng thọ .. tuổi. Từ đó chùa không còn người trụ trì, chỉ có bà con trong xóm sớm hôm nhang khói. Mặc dù vậy, trong thời gian này theo truyền miệng của dân làng địa phương “trong ao sen của chùa có chuông vàng” và qua lời kể của cụ bà Võ Thị Giàu (bà sinh năm Mậu Tý – 1888, mất năm Kỷ Tỵ - 1989, đại thọ 102 tuổi) là người sống ở gần chùa: “ngày trước, Cha Mẹ bà kể là đã từng tận mắt thấy trong ao sen trước chùa vào những ngày rằm tháng tốt, có ánh sáng hiện lên và nghe tiếng Hồng Chung ngân nga văng vẳng”.
Mãi đến năm Canh Thìn – 1882 (năm Tự Đức thứ 36) nhờ Hồng Ân Tam Bảo và hồng phúc của bà con phật tử làng Thới Giai, có được vị Thiền sư pháp danh Phước Định, húy Đạt Thiền thuộc dòng Thiền Lâm Tế (đời thứ 38) về hành đạo. Thiền sư Phước Định là người Việt có thời gian vân du tìm nơi học đạo sang tận đất nước Campuchia và tu học tại chùa Tâm Băng, tỉnh Bát Tom Bong. Sau thời gian tu học thông hiểu giáo lý, thâm tường học thuật, Thầy trở về nước, với bổn nguyện lợi tha, giáo hoá và cứu giúp nhân sinh; với đạo cao đức trọng Thầy vừa truyền bá chánh pháp, vừa trị bệnh cứu người. Từ đó, ngôi chùa được trùng tu xây cất lại khang trang, nhiều bà con tín đồ tin tưởng quy tụ đến chùa ngày càng đông. Trong thời gian này, có nhiều người đến nhập môn tu học xin làm đệ tử của Thiền sư và đều tu đắc đạo như các vị: Yết Ma Phước Quang(1), Giáo Thọ Từ Quang(2), Phước Chơn, Từ Minh…  Dựa vào quang cảnh có ao sen bên hông chùa, Thiền sư Phước Định chính thức đặt pháp hiệu cho chùa là “Liên Trì Cổ Tự”. Với ý nghĩa: “nơi đây thanh tịnh trang nghiêm như ao sen Liên Trì ở cõi Tây Phương cực lạc”. Dựa theo lời Phật nói trong bộ Kinh Di Đà là sự luân chuyển của dòng đời. Vì thế, khi về trụ trì chùa Thượng tọa Thích Thiện Tài minh họa bằng 4 câu thơ:
Liên khai thuở nọ nơi đây
Trì trung cảnh ấy trổ đầy hoa sen
Cổ  nhân ngày trước dựng lên
Tự nguồn chánh pháp chuyển nên ngôi Chùa”
Hòa thượng Phước Định trụ trì chùa được 29 năm thì tạ thế vào ngày 30 tháng 7 năm Tân Hợi (1911) hưởng dương 55 tuổi. Ngài ra đi để lại bao nỗi niềm thương tiếc, đau buồn cho môn đồ, bổn đạo và bà con nhân dân trong vùng.
Sau khi Hòa thượng Phước Định về cõi hư vô tịch tịnh, đệ từ thứ hai của Ngài là Giáo Thọ Từ Minh, húy Ngộ Thúy kế thế trụ trì chùa Liên Trì, nối tiếp truyền trì sự nghiệp đạo pháp do Hòa thượng Phước Định còn để lại thêm được 19 năm sau. Đến năm Canh Ngọ - 1930 do phải chuyển tu nơi khác, Thầy Từ Minh đã trao truyền chùa cho đệ tử là Thầy Niệm Pháp.
Trong thời gian này, nền chùa (ngôi chánh điện) nằm sát mép rạch, bị sạt lở gần tới nền, và phần mái vách cũng xuống cấp mục nát, nên phải dời vào bên trong cho an toàn. Mặc dù Thầy Niệm Pháp còn rất trẻ, nhưng với tấm lòng chấn hưng đạo pháp và nguyện noi theo chí tổ của các đức Thầy tiền nhiệm để lại, Thầy đã kêu gọi bà con dân làng và các tín đồ phật tử cùng chung xây dựng lại ngôi chùa. Được các vị Thân hào Nhân sỹ ở làng Giai Xuân và Thới An Đông đồng tình ủng hộ, gồm có các ông Cả Tám, ông Kiểm Tánh, ông Hương Tham, ông Cả Thức (Nguyễn Tấn Chức), ông Bộ Bảy …  đã tích cực tham gia đóng góp nhiều tiền của, vật liệu để xây dựng mới lại ngôi Tam Bảo (cách nền chùa cũ sát mép rạch vô khoảng 40 mét), trên nền chùa hiện nay. Đặc biệt, trong dịp này có bà Cai Hú hỷ cúng mười công đất, và bà Ba Nho hỷ cúng hơn một công đất (gọi là đất cây vông, vì trên đất có một cây vông rất lớn), góp phần mở rộng diện tích đất chùa cho đến ngày nay.
Theo lời kể của các vị bô lão, từ năm 1930 đến đầu năm 1945 chùa Liên Trì được chấn hưng phát triển, có rất đông đão bà con phật tử quy tụ đến chùa. Hằng năm, vào ngày rằm tháng bảy âm lịch chùa tổ chức trai đàn rất lớn cầu an cho bá tánh, cầu siêu cho đồng bào tử nạn cho chiến sỹ trận vong, chuẩn tế cô hồn. Trong cả 2 gian đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, chùa Liên Trì không chỉ là nơi tâm linh tín ngưỡng tu hành, mà còn là chổ dựa tinh thần cho bà phật tử trong lúc hoạn nạn khó khăn; một địa điểm nhóm họp dân làng, một cơ sở ủng hộ cách mạng; trạm trú chân của các chiến sỹ du kích, trạm dừng chân của các đơn vị bộ đội sau này. Đặc biệt, sau cách mạng tháng tám thành công năm 1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Nhiều thanh niên là phật tử của chùa tích cực hưởng ứng lời của chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp xâm lược, đã hăng hái tham gia vào du kích, tòng quân vào bộ đội cầm súng giết giặc cứu nước. Về phía nhà chùa, đã hiến gần trăm cây tràm lâu đời, dùng làm cảng Phố Chùa ở Long Tuyền để chặn tàu giặc; hiến tất cả đồ đồng trong đó có một Đại Hồng Chung cổ kính cho công binh xưởng đúc đạn… trong những năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược, nhà chùa cũng tích cực tham gia các chiến dịch, nổi bật nhất là tết Mậu Thân năm 1968, sau đó chùa cũng phải chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn Mỹ .

Ảnh tư liệu của cùa

 Sau 20 năm trụ trì chấn hưng chùa Liên Trì, đến năm Canh Dần – 1950, Thầy Niệm Pháp phải chia tay với ngôi chùa đã gắn bó với Thầy cả một thời niên thiếu để chuyển về tu hành ở chùa Long Châu - Ô Môn. Chùa Liên Trì được Thầy Thiện Bảo tiếp tục trông coi cho đến sau năm Mậu Thân – 1968, vì chiến tranh ác liệt Thầy Thiện Bảo cũng phải chuyển về tu ở chùa Long Châu – Ô Môn. Tuy vậy, Thầy Thiện Bảo thường xuyên tranh thủ lui tới chùa cũ trong những lúc không có bom pháo giặc, vận động tổ chức người trông coi nhang khói và giữ gìn ngôi chùa của Tổ nghiệp để lại. Trong thời gian này có: ông Tư Phùng, ông Tư Mạnh là 2 vị có thiện chí kiên trì nhất, ngoài ra còn có các ông: Ba Gìn, Tám Hiểu, Năm Ở, Tư Đê, Hai Sện, Năm Tiều Phu… là những người đã có công gìn giữ ngôi chùa cho đến ngày đất nước Việt Nam độc lập thống nhất vào năm Ất Mảo - 1975.

Đến đầu năm Bính Thìn – 1976, Thầy Thiện Bảo đã tìm và thỉnh cầu Thầy Thiện Tài về làm trụ trì chùa Liên Trì. Thượng tọa Thích Thiện Tài – tục danh Lâm Hồng Đào, sinh ngày 14 tháng 4 năm Giáp Thân - 1944, quê quán ở ấp Thới Hòa, xã Giai Xuân, Hậu Giang (nay là Tp. Cần Thơ). Xuất gia năm 1963, vào chùa Lưu Âm ở xóm Sóc Vọp, quận Sa An, tỉnh Can Đa – Campuchia tu học. Năm 1965 thọ Sa Di do Hòa thượng Phước Linh trao giới.
Năm 1968 thọ Tỳ Kheo và tốt nghiệp trung cấp giáo lý tại Chùa Quan Âm do Hòa thượng Từ Vân trụ trì. Năm 1970 hồi hương về Việt Nam trở về quê quán, đến tháng 3 năm 1971 cầu pháp với Hòa thượng Chơn Tánh và được nhập tự tu hành tại chùa Đa Phước, xã Đa Phước, huyện An Phú, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Thể theo ý nguyện của bà con phật tử và Thầy Thiện Bảo, Tỳ Kheo Thích Thiện Tài về chùa Liên Trì, được bổ nhiệm làm trụ trì và làm lễ nhập tự vào ngày mùng 8 tháng tư năm Bính Thìn 1976 cho đến nay. Với thời gian hơn 35 năm tu học, toàn tâm toàn ý phụng sự phật pháp, Thầy Thích Thiện Tài được tấn phong giới phẩm Thượng tọa vào ngày mùng 2 tháng 2 năm Mậu Dần 1998.


Thượng tọa Thích Thiện Tài

Ngay từ ngày đầu về làm trụ trì chùa, Thượng tọa Thích Thiện Tài đã bắt tay ngay vào việc sửa chữa tạm thời lại ngôi chánh điện để thờ cúng. Đồng thời  đi  vận  động  bà con  phật tử  gần xa ủng hộ cúng dường tiền của để đến năm 2002 tiến hành xây mới lại ngôi Chánh điện có diện tích 280m2, đài Quán Thế Âm Bồ Tát lộ thiên cao hơn 3 mét. 

Chùa Liên Trì


Tượng Quán Thế Âm phía trước chùa
Hai công trình này đến năm 2004 hoàn thành. Sau đó tiếp tục xây lại dãy nhà Đông lang có diện tích 234m2 chia  làm nhiều phòng cho các vị chư tăng và dãy Tây lang trên 200m2 cho các nio6 tu học; xây thêm một tịnh thất (cóc), một nhà cốt cho phật tử, sửa chữa lại nhà khói và kho của chùa… với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Việc hoàn thiện lát gạch và tráng xi măng sân chùa, trồng hoa kiểng và cây xanh trong toàn bộ 3000m2 khung viên chùa, tiếp tục xây thêm giảng đường 400m2 phía trái hướng Đông, hoàn thành vào cuối năm 2010.
Ngoài công việc của chùa, Thượng tọa Thích Thiện Tài còn tham gia công tác xã hội và công tác phật sự của giáo hội như: từ năm 1977 đến năm 1982 là thành viên của ban liên lạc Phật giáo yêu nước Cần Thơ, Hậu Giang; Phó ban đại diện Phật giáo thành phố Cần Thơ - tỉnh Hậu Giang; ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Giai Xuân 2 nhiệm kỳ từ 1990 – 1995. Hiện nay Trưởng ban đại diện Phật giáo quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.
I. Bố trí thờ cúng, các ngày lễ và công tác từ thiện xã hội của chùa
Chánh điện chùa Liên Trì hiện nay nằm giữa một khuôn viên khá rộng, trong đợt trùng tu lại vào năm 2002 được xây mới theo hình khối vuông bằng bê tông tường gạch, bên trên xây thêm một tầng mái theo lối kiến trúc cổ lầu. Trước, sau và hai bên hông chùa được thiết kế có hành lang rộng thoáng mát với kết cấu bằng 20 cột tròn đỡ mái ô quăng chung quanh. Sáu cột phía trước gắn ba cặp liễn đối:
Cặp thứ nhất: Phật ấn nhứt thừa vạn phái đồng lưu quy đại hải
Pháp khai tam giáo thập phương thế giới bổn duy tâm
Cặp thứ hai: Bảo phiệt độ mê nhơn thử giới đốn siêu hóa phương tùy hiện
Thần đăng khai ám thất tâm chơn bất mụi vạn pháp tế chương
Cặp thứ ba: Bồ đề hương phát thiên chơn thanh tịnh phi sắc phi không
Bát nhã hoa khai vạn phát trang nghiêm tức tâm tức Phật.
  Bên trong chùa, ngay giữa trung tâm chánh điện, trước điện thờ là 2 cột trụ 2 bên được chạm đắp 2 con rồng quấn từ trên xuống rất tinh xão, bên trên treo một bức hoành phi khắt nổi 4 chữ “ Vạn Đức Từ Tôn” dịch nghĩa: “người hiền muôn đức” , bên dưới là khung bao lam chạm trổ công phu hình Long Lân Quy Phụng thếp vàng tuyệt đẹp.  
Trên ban thờ an trí tượng Phật Thích Ca Mầu Ni ngồi trên tòa sen cao hơn 2 mét, bên trái xếp tượng nhỏ Phật đản sinh, bên phải xếp tượng Chuẩn đề Bồ Tát. Bên dưới an trí 3 pho tượng bằng gổ: ở giữa Phật A Di Đà, bên trái Quán Thế Âm Bồ Tát, bên phải Đại Thế Chí Bồ Tát.

 
Ban thờ chính điện


Hình trên là 3 pho tượng trong 10 pho tượng Phật bằng gổ có niên đại hơn 100 năm tuổi của chùa
Phía vách bên trái đặt bàn thờ Thượng đế, ở giữa tượng Ngọc Hoàng, 2 bên có tượng Nam Tào và Bắc Đẩu; Vách bên phải đặt bàn thờ Đức Hộ Pháp 2 bên có tượng Đức Tiêu Diện và Quan Thánh Đế Quân.


Bàn thờ phía vách trái

Bàn thờ phía vách phải

Phía sau chánh điện là bàn thờ Hậu Tổ. Bậc trên, ở giữa an trí tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát; hai bên, mỗi bên xếp bốn long vị các cố Thiền sư, Hòa thượng trụ trì chùa Liên trì từ trước đến nay gồm: Thiên sư Liễu Thông, Liễu Huệ, Minh Thông, Thiện Quả, Thầy Hai, Phước Quang, Từ Quang, Phước Chơn, Từ Minh, Phước Định, Niệm Pháp… Bậc dưới, ở giữa an trí ảnh Đức Tổ sư Đạt Ma, 2 bên xếp các bức di ảnh của các cố trụ trì chùa và chuông, mõ.
 

Bàn thờ Hậu tổ


Hiện nay, chùa vẫn duy trì các ngày lễ chính định kỳ như:
Lễ cầu an đầu năm – mùng 8 tháng giêng; Lễ Thượng ngươn – rằm tháng giêng; Lễ Phật đản – rằm tháng tư; Lễ Trung ngươn kết hợp Vu Lan báo hiếu – rằm tháng bảy; Lễ Húy kỵ cố Hòa thượng Thượng Phước Hạ Định (Phước Định) vào ngày 30 tháng bảy và lễ Hạ ngươn – rằm tháng mười. Những ngày này có 300 – 500 người đến lễ bái tại chùa.
Hiện nay nhà chùa vẫn duy trì tổ chức ngày Thọ Bát Quan Trai, định kỳ vào ngày 15 và 29 hằng tháng, có 20 đến 30 phật tử tham gia.
Ngoài ra, Thượng tọa Thích Thiện Tài trụ trì chùa Liên Trì còn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội ở địa phương, hằng năm tặng 50 đến 70 phần quà Trung Thu cho trẻ em nghèo; phân phát 500 – 700 ký gạo cho người nghèo; ủng hộ hằng chục triệu đồng để góp phần xây dựng cầu đường, xây nhà tình thương ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét