Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

10 ngôi chùa ở Cái Răng - Thành phố Cần Thơ

1. CHÙA AN LONG
Phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ 
------------
Chùa An Long, thuộc hệ phái Bắc tông. Trước đây chùa có tên Tân Long Tự - nay đổi tên “An Long Cổ Tự”, tọa lạc trên diện tích trên 1300m2, nằm cặp ven Sông Cần Thơ tại tổ 4, ấp 7, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Chùa được khởi lập vào năm Canh Thân – 1860, Người đứng ra trực tiếp xây dựng Chùa là Hòa thượng Thích Quảng Trường.
Hiện nay do Tỳ kheo ni Thích Nữ Huệ Phượng làm trụ trì.
 Toàn cảnh Chùa An Long

I. Lịch sử hình thành ngôi chùa.

Năm Canh Thân – 1860, do nhu cầu của gia đình và bà con phật tử trong vùng, Hòa thượng Thích Quảng Trường – thế danh Lê Minh Sự đứng ra xây dựng chùa trên phần đất nhà 8000m2. Ngày đầu chùa được cất bằng cột cây, mái lợp lá đơn giản, lấy tên “Tân Long Tự”. Tu theo hệ phái Cổ Sơn Môn. Do Hòa thượng Thích Quảng Trường trụ trì chùa cho đến năm 1910 viên tịch.
Năm 1910, Hòa thượng Thích Quảng Chơn – thế danh Lê Như Mẹo thay thế trụ trì cho đến năm 1941 viên tịch.
Năm 1941, Hòa thượng Thích Trí Thanh – thế danh Huỳnh Văn Sổ thay thế trụ trì cho đến ngày 23 tháng 9 năm 1944 viên tịch.
Năm 1944, Hòa thượng Thích Huyền Khải – thế danh Lê Văn Độ thay thế trụ trì chùa. Trong thời gian từ 1944 đến 1945, Hòa thượng Thích Huyền Khải cho trùng tu mở rộng chùa, xây ngôi chánh điện rộng 216m2, bằng vật liệu kiên cố, tường gạch, mái lợp ngói và đổi tên chùa thành “An Long Cổ Tự”. Đến ngày 25 tháng 12 năm 1954 Hòa thượng viên tịch.
Năm 1954, Sư bà Thích Nữ Diệu Bích – thế danh Lê Thị Bích thay thế trụ trì. Đến ngày 22 tháng 11 năm 1962 viên tịch.
Năm 1962, Thượng tọa Thích Trí Quảng – thế danh Trương Văn Dừa giữ trụ trì chùa đến ngày mồng 2 tháng 8 năm 1995 viên tịch.
Trước năm 1975, chùa chuyển sang hệ phái Phật giáo Bắc tông. Sau ngày 30/4/1975 Thượng tọa Thích Trí Quảng tham gia vào Ban liên lạc Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ – tỉnh Cần Thơ và được cử vào chức vụ thành viên Ban liên lạc Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ – tỉnh Cần Thơ. Đồng thời là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc xã Hưng Thạnh. Trong thời gian trụ trì, Thượng tọa Thích Trí Quảng cho trùng tu thay lại mái ngói cũ đã bị dột nát của chánh điện vào năm 1986.
Năm 1995, sau khi Thượng tọa Thích Trí Quảng viên mãn không còn người trực tiếp trụ trì. Chùa được cư sĩ Thích Trí Thống – thế danh Trương Chánh Nghiệm đứng ra trông coi chùa trong thời gian 3 năm.
Năm 1998, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - tỉnh Cần Thơ có quyết định phân Tỳ Kheo ni Thích Nữ Huệ Phượng về trụ trì chùa.
Năm 2002, Tỳ Kheo ni Thích Nữ Huệ Phượng cho trùng tu sơn sửa lại chánh điện, nhà Hậu tổ, cất thêm nhà ni chúng với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng do bà con phật tử gần xa cúng dường.

Tỳ kheo ni Thích Nữ Huệ Phượng – thế danh Đổ Thị Tuyết Hằng, sinh năm Nhâm Dần – 1962, ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Sớm giác ngộ quy y Phật từ năm 1980 tại Chùa Bửu Liên – Cần Thơ. Đến năm 1982 xuất gia vào tu học tại Chùa Thiên Quang – Cần Thơ. Năm 1988, tham gia khóa Phật học cơ bản và học tiếp chương trình Cao đẳng Phật học tại chùa Bửu Ân, quận Ninh Kiều thành phố Cần Thơ, đến năm 1991 tốt nghiệp ra trường, vẫn tiếp tục tu ở chùa Bửu Liên. Đến tháng 8 năm 1998, được bổ nhiệm chuyển về trụ trì chùa An Long cho đến ngày nay. Hiện nay, Tỳ kheo ni Thích nữ Huệ Phượng còn là Ủy viên Ban đại diện Phật giáo quận Cái Răng; Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
           Tỳ kheo ni Thích nữ Huệ Phượng          

II. Những đặc điểm và bố trí thờ cúng trong chùa.
Chùa An Long, hiện nay khuôn viên chung còn lại 1300m2. Với diện tích ngôi chánh điện 216m2, nhà Hậu tổ 120m2, khu nhà ni chúng hơn 100m2, thì diện tích sân chùa còn lại khá thoáng rộng. Nằm trên vị trí ven sông Cần Thơ gió lộng, được bao quanh bởi những khu vườn cây cối xanh tươi mát mẽ quanh năm. Một không gian yên ả thanh tịnh.
Nhìn từ ngoài cổng chùa vào sẽ thấy pho tượng Quán Thế Âm Bồ Tát lộ thiên cao khoảng 4 mét đứng dưới bóng mát của cây dương cổ thụ gần 100 tuổi. Qua khoảng sân rộng, trước cửa ngôi chánh điện đặt một pho tượng Bồ Tát Di Lặc thếp vàng cao hơn 1 mét, với nét mặt vui tươi mãn nguyện.
Thánh tượng Quan Âm Bồ Tát lộ thiên
Đức Di Lặc Bồ Tát
 
Bên trong ngôi chánh điện, việc bố trí thờ cúng cũng giống như các chùa khác. Giữa Chánh điện đặt tượng Phật lớn - Đức Thích Ca Mầu Ni ngồi trên tòa sen, bên dưới bày trí 3 pho tượng đứng Di Đà Tam Tôn (Tây phương tam Thánh) và một tượng Phật nằm - Thích Ca nhập niết bàn. Bậc thứ ba đặt thêm một tượng Phật Đản Sanh sơn màu đồng. Phía sau cửa chính ra vào của chánh điện, bên trái đặt gát chuông và tượng ông Hộ Pháp, bên phải đặt tượng ông Tiêu Diện. Phía sau lưng chánh điện là bàn thờ Hậu tổ, đặt tượng Tổ Sư Đạt Ma.
 Ban thờ chánh điện chùa An Long
Ông Tiêu diện
Ông Hộ pháp
Đức Tổ Sư Đạt Ma
 
Ngòai ra, chùa còn lưu giữ một tượng Đức Quan Thánh được chạm khắc bằng gổ quý cao 0,7 mét và một tượng ông Hộ Pháp đúc bằng kim loại cao 0,4 mét.

III. Mối quan hệ giữa chùa và xã hội.
Chùa An Long khởi nguyên là chùa gia đình dòng họ Lê – Trương. Tu theo hệ phái Cổ Sơn Môn. Đến năm 1998, chùa gia nhập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam chuyển theo hệ phái Bắc tông cho đến ngày nay.
Từ ngày được chuyển sang hệ phái Bắc tông, nhà chùa chỉ có 20 phật tử, đến nay đã có hơn 200 phật tử theo tu tại chùa. Mối quan hệ giữa nhà chùa với bà con phật tử trong khu vực khá tốt đẹp. Hằng năm nhà chùa có các ngày lễ lớn như: Rằm Thượng ngươn 15 tháng giêng; Lễ Phật Đản 15 tháng tư; Lễ rằm Trung ngươn và lễ Vu Lan 15 tháng bảy; Lễ vía Đức Phật A Di Đà 17 tháng mười một. Đặc biệt, trong ngày lễ rằm tháng giêng và tháng bảy có rất đông đảo bà con và phật tử gần xa đến cúng viếng chùa.
Với tấm lòng từ bi, các Ni sư của chùa luôn sẳn sàng giúp đở bà con phật tử lúc gặp khó khăn, thường xuyên đi đến từng gia đình phật tử tụng niệm khi có hậu sự, hoặc cầu siêu, cầu an… Đồng thời, các Ni sư tích cực tham gia làm công tác từ thiện, cho tập viết, quần áo giúp đở học sinh nghèo. Một năm 2 lần nhân ngày rằm tháng 7 và Tết Nguyên Đán nhà chùa tặng nhiều phần quà (khoảng 50.000đ/phần) cho những gia đình phật tử nghèo. Ngoài ra chùa còn phát chẩn gạo cho bà con nghèo mỗi năm trên 1000kg.
Về phía phật tử, Chùa An Long hiện có hơn 200 phật tử đến tu tại chùa, bà con phật tử ở đây xem ngôi chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, là nơi tín ngưỡng tôn giáo hỗ trợ cuộc sống cho mình và cho gia đình mình về mặt tinh thần, vì vậy bà con thường xuyên lui tới chùa nhất là những ngày lễ lớn của chùa hằng năm. Cụ thể những ngày rằm tháng giêng và tháng bảy có gần 500 người đến cúng viếng chùa. Đồng thời tích cực đóng góp cúng dường để trùng tu, xây dựng mới mở rộng thêm nhà chùa và ủng hộ nhà chùa làm công tác từ thiện. Chỉ tính riêng năm 2002 số tiền của phật tử và bà con gần xa cúng dường cho chùa hơn 100 triệu đồng, trong đó có ông Lê Tấn Sinh (Việt kiều) gởi cúng dường 3000USD, để trùng sơn sửa lại ngôi chánh điện./.

                                                                           * * *


2. CHÙA LONG PHÚ
Phường Phú Thứ - Cái Răng – Tp.Cần Thơ – có gần 120 năm tuổi
----------------

Tọa lạc trên diện tích 1000m2 tại Rạch Cái Sâu (ấp Thạnh Hưng, xã Phú An, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ). Năm 2004 chia tách địa giới hành chính trở thành khu vực Thạnh Thắng, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Chùa Long Phú thuộc hệ phái Bắc tông, do Đại đức Thích Quang Hiếu – tục danh Lê Hữu Đời làm trụ trì.
Ngày xưa Chùa Long Phú là nơi nông thôn hẻo lánh, hiện nay được nằm trên vùng đất trong khu đô thị phát triển mới - Nam Cần Thơ, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 8 km, cách sông Hậu vào 1000m. Gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất này - từ một ngôi chùa gia đình cột cây mái lợp tol dần dần trở thành ngôi chùa khang trang chung cho cả một cộng đồng cư dân trong khu vực.



 Chùa Long Phú.

I. Lịch sử hình thành ngôi Chùa:

Chùa Long Phú do Bà Trần Thị Bính là người đứng ra xây cất và tu hành vào năm Canh Dần 1890, đến ngày mùng 4 tháng 6/1943 năm Quý Mùi - Bà viên tịch – hưởng thọ 84 tuổi.
Theo lời kể của Bà Nguyễn Thị Thể (gọi Bà Bính bằng Bà Cô và là người trụ trì chùa sau này), Bà Trần Thị Bính sinh năm 1860, xuất thân là diễn viên tuồng cổ (đào hát bộ) có chồng nhưng không có con, sau nhiều năm tháng theo đoàn hát rày đây mai đó chán cảnh thế tục Bà mới xin chồng cất chùa để tu theo hệ phái Phật giáo cổ truyền. Ngày đầu ngôi chùa được xây dựng khá khang trang gồm 3 gian - vách bằng ván mái lợp ngói lấy tên “Long Phú Tự”. Khoảng năm 1941 Bà Bính quá già yếu mới mời một sư thầy (tục gọi Thầy cụt tay) cùng với người cháu tên Trạng đến tu và coi sóc Chùa. Sau khi Bà Bính mất ngôi chùa bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đến năm 1954 hòa bình lập lại hai chú cháu sư Thầy trở về quê quán và ở đây gần như không có người ở, ngôi chùa hoang vắng không còn người trụ trì, bị bọn trộm tháo gở hết cây ván chỉ còn lại mấy pho tượng Phật.
Sau năm 1954, Bà Nguyễn Thị Thể được chồng là Ông Trương Văn Cầu và gia đình giúp cất lại cái Am nhỏ trên nền chùa cũ cho Bà trông coi nhang khói. Trong thời gian này chiến tranh lại tiếp tục, cả gia đình Bà Năm Thể phải di dời về vùng trong để tránh bom đạn, mới nhờ Ông cư sỹ (tục gọi Ông Tư Phẩm) ở phía bên kia rạch Cái Sâu trước cổng Chùa tới lui trông coi nhang khói.
Năm 1975 chiến tranh kết thúc, Bà Năm Thể được người con trai là Trương Thế Vinh cho tiền và bà con trong xóm giúp đở xây dựng lại ngôi chùa để tu. 

Ngôi chùa được cất lại sau năm 1975 (Ảnh tư liệu của chùa)

Năm 1976, có ba Ni cô tham gia khóa học tại Chùa Khánh Quang - Cần Thơ, sau khi học xong được giáo hội Phật giáo đưa về tu tại Chùa, 3 năm sau ba Ni cô này chuyển về Thiền viện Tuệ Thông, Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Sau đó có Tỳ kheo Thích Minh Độ ở Chùa Phật học về trụ trì được 2 năm rồi đi tu nơi khác. Bà Năm Thể lại tiếp tục trong coi Chùa đến Ngày 29 tháng 11/2001 năm Tân Tỵ, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Cần Thơ có quyết định phân Tỳ kheo Lê Hữu Đời – pháp danh Thích Quang Hiếu về trụ trì Chùa cho đến nay.
Đại đức Thích Quang Hiếu sinh năm 1947, là người sinh ra ở Phú Thứ, khi lớn lên sinh sống ở Cồn Khương, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, xuất gia năm 1993 theo tu học ở Chùa Long Quang, trong quá trình tu học Đại đức có một thời gian nhập hạ ở Thiền viện Thường Chiếu, Long Thành, Đồng Nai. Và được phong Đại Đức vào năm 1996.


Đại đức Thích Quang Hiếu

II. Quang cảnh Chùa và nơi thờ tự:
Với sự tích cực của Đại đức Thích Quang Hiếu - năm 2002 Chùa Long Phú chính thức gia nhập Giáo hội Phật giáo Cần Thơ và đầu năm 2005 khởi công trùng tu xây dựng lại toàn bộ ngôi Chùa với tổng kinh phí xây dựng hơn 150 triệu đồng do phật tử cúng dường. Kiến trúc Chùa mới xây lại theo kiểu chữ Đinh, phía trước là ngôi chính điện cất theo kiểu cổ lầu, dãy ngang phía sau chia làm ba gian, gian giữa làm nơi thờ hậu tổ, nơi đặt tủ kinh kệ (có khoảng 300 đầu sách) và tiếp đón chư tăng, phật tử đến vãng Chùa. Hai gian hai bên là nơi sinh hoạt và nghĩ ngơi của chư Tăng. Sau 5 tháng thi công ngôi chùa đã được xây xong và tổ chức lễ Lạc thành vào ngày mùng 3 tháng 6 năm 2005.
Do địa thế của Chùa cách đường giao thông khá xa nên cổng vào Chùa đặt hướng Tây.
Mặt tiền ngôi chính điện nằm hướng Bắc. 


Ngôi chính điện.

Trước chính điện đặt tượng Quán Thế Âm Bồ tác đứng quay mặt hướng Tây nhìn ra phía cổng Chùa. 

 Tượng Quán Thế Âm
 
Trong chánh điện:

Điện thờ trung tâm.
Giữa chính điện đặt Tượng thờ Đức Bổn Sư Thích Ca Mầu Ni. Trước điện thờ có 2 câu đối bằng chữ Hán được dịch nghĩa như sau:
“Long ân trạch Hoàng vũ vạn dân xướng nghiệp hưng thạnh
Phú đức tích Thiên hạ bá tánh kiến quốc phồn vinh”    
                           
Trở ra cửa chính của chính điện bên tay trái đặt gát chuông, điểm đặc biệt tại gát chuông có treo 2 bài kệ.


             Gát chuông

Bài thứ nhất: Kệ khai chuông
Hồng chung vang vọng tiếng ban đầu
Địa ngục A Tỳ thăm thẳm sâu
Thiên đường Hữu Đảnh ngân vang khắp
Trước Phật mười phương con cúi đầu
               Cha mẹ sanh thành Thầy bạn tốt
               Quốc dân thủy thổ dám quên đâu
               Thú cầm thoát khỏi tay săn bắn
               Địa tạng Quan Âm con nguyện cầu
Ân oán nhiều đời tợ biển sâu
Lẽ đạo huyền vi rất nhiệm mầu
Tẩy sạch lòng trần lên giải thoát
Nghe chuông nhớ Phật hết ưu sầu

Bài thứ 2: Kệ thu chuông
Chuông chùa vang vọng khắp muôn nơi
Cảnh tỉnh trần ai giấc mộng đời
Sức kiệt hơi tàn buông tất cả
Nhớ câu niệm Phật thoát luân hồi
( 2 bài kệ này được trích dịch trong kinh nhật tụng của HT.Thích Trí Quảng – Trưởng ban Hoằng pháp TƯ - Giáo hội Phật Giáo Viện Nam )

III. Mối quan hệ nhà Chùa và phật tử:
Trong quá trình lịch sử hình thành Chùa Long Phú đến nay gần 120 năm, trãi một thời gian dài qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Chống Mỹ, ngôi Chùa đã từng bị chiến tranh tàn phá và bị bỏ hoang phế nhiều năm, qua nhiều người trụ trì và nhiều lần trung tu xây dựng lại… đến nay đã trở thành một trung tâm tín ngưỡng sinh hoạt văn hóa tinh thần cho cả một cộng đồng dân cư trong khu vực. Lúc đầu nhà Chùa chỉ có khoảng 10 phật tử, đến nay đã có hơn 200 phật tử và những ngày lễ rằm tháng giêng, tháng tư, tháng bảy và tháng mười có cả hơn 500 người đến vãng cảnh Chùa.
Từ một ngôi Chùa đổ nát, cất lại bằng cột gổ lợp tol đơn sơ đến nay được xây dựng lại kiên cố khang trang, bằng tấm lòng tín ngưỡng và trân trọng giá trị di sản tinh thần, bà con phật tử nơi đây đã đóng góp nhiều tiền của, ngày công để có được ngôi Chùa hôm nay.
Về phía nhà Chùa, hiện nay Chùa Long Phú không chỉ là nơi đơn thuần tín ngưỡng tôn giáo mà còn là chổ dựa cho những người nghèo, bệnh hoạn khi gặp khó khăn. Cụ thể từ năm 2006 đến nay Chùa đã phối hợp với Hội chữ Thập đỏ phường Phú Thứ  mở phòng chẩn trị đông y có diện tích 70m2 gồm 3 buồng với đầy đủ phương tiện để điều trị cho nhân dân trong vùng. Tại đây thường xuyên có một Đông Y sỹ túc trực xem mạch, bốc thuốc nam và châm cứu cho khoảng 20 người bệnh mỗi ngày. Trong tương lai nhà Chùa sẽ tiếp tục mở rộng phòng đông y này và bổ sung thêm giường bệnh để cho người bệnh có thể được điều trị nội trú.

Phòng chẩn trị Đông y của Chùa
Ngoài ra nhà Chùa còn phân phát gạo giúp đở cho người nghèo 400 – 500kg gạo năm. Bản thân Đại đức Thích Quang Hiếu còn một thành viên tích cực của Ủy ban Mặt trận phường, tham gia mọi hoạt động từ thiện của địa phương./.

                                          *     *      *

3. CHÙA PHƯỚC LONG
Phường Lê Bình, quận Cái Răng – TP. Cần Thơ
----------------------

Chùa Phước Long có tên gọi “Phước Long Tự” thuộc hệ phái Bắc tông, tọa lạc tại khu vực thị trấn, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Là một ngôi chùa có quy mô to lớn khá khang trang, nằm trên khuôn viên đất rộng 1553m2, diện tích xây dựng và sử dụng gần 2000m2, cổng chính quay về hướng Tây Tây Nam, Chùa nằm giữa trung tâm quận Cái Răng, trên trục quốc lộ 1A  đoạn Cần Thơ - Sóc Trăng, do Ni sư Thích Nữ Như Tâm làm trụ trì. Hiện nay, Chùa còn là nơi đặt văn phòng Ban đại điện Giáo hội Phật giáo quận Cái Răng.
     Mặt tiền Chùa Phước Long
 
I. Lịch sử hình thành ngôi chùa:
Theo lời kể của Ni sư trụ trì : Ngày trước, vùng này còn rừng rậm hẻo lánh và có rất nhiều thú rừng như cọp, beo, heo rừng, cá sấu… truyền miệng rằng, ở đây có một ông Hổ (cọp) rất to và rất hung dữ, thường xuyên rình rập bắt trâu bò và giết cả người. Để trừ hậu họa, ông Cai (chức danh Cai làng) – tên Lê Đình Tuấn là người võ nghệ cao cường, một mình Ông đứng ra dụ Hổ và đánh với Hổ suốt buổi mới hạ được nó. Tuy nhiên, sau đó Ông cũng bị tử thương. Câu chuyện được thêu dệt trở thành thần thoại hóa đời này sang đời khác. Để ghi nhớ sự kiện giết Hổ (truyền miệng là Thần Hổ), bà con ở đây lập một ngôi Miếu thờ vào năm 1910 - có tên gọi là “Miếu Ông Hổ”.
Năm Canh Thân –1920, Hòa thượng Thích Huyền Khải là người khai sơn tạo dựng lại ngôi miếu trở thành ngôi Chùa Phật. Tu theo hệ phái Phật giáo cổ truyền. Chùa được xây dựng bằng tường gạch, mái lợp ngói, nền lót gạch tàu có diện tích gần 300m2, lấy tên là “Phước Long Tự”. Hòa thượng Huyền Khải trụ trì chùa đến ngày 25 tháng chạp năm 1945 viên tịch, do bị giặc Pháp giết.
       Chân dung HT.Thích Huyền Khải (ảnh tư liệu chùa)

Về tiểu sử Hòa thượng Thích Huyền Khải không còn tư liệu nào để lại. Chỉ được kể rằng Hòa thượng, người ở Cái Răng có thời gian sang Campuchia tu đạo. Khi trở về Việt Nam – Cái Răng, là người có công khai lập và trụ trì chùa trong thời gian gần 25 năm. (Trong cuốn lịch sử Đảng bộ thị trấn Cái Răng 1930-1975 – ghi nhận “… thực dân Pháp đánh chiếm Cái Răng vào ngày 01/11/1945 nhằm ngày 27 tháng chín âm lịch. Chúng lập tiền đồn để bảo vệ phía Nam cửa ngõ Cần Thơ…”). Như vậy, khi chiếm đóng Cái Răng gần 3 tháng thì chúng đã giết chết Hòa thượng Thích Huyền Khải.

Những di vật của HT.Huyền Khải


Sau khi Hòa thượng Huyền Khải viên tịch - Hòa thượng Thích Trí Đạt đến trụ trì chùa cho đến ngày 24 tháng 5 năm 1981 mới viên tịch. Hòa thượng Thích trí Đạt là người có công lớn trong việc trùng tu, mở rộng chùa, xây thêm nhà Hậu tổ vào năm 1960, xây phòng chẩn trị bệnh Đông y năm 1970 (phòng này hiện nay là phòng khách của chùa). Đồng thời, Hòa thượng cũng là người có công trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ  - được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng Huân chương.

  Chân dung HT.Thích Trí Đạt (ảnh tư liệu chùa)

Sau khi Hòa thượng Trí Đạt viên mãn. Đại đức Thích Nhựt Lang thay thế trụ trì đến năm 1987 – chuyển đi tu nơi khác. Chùa được các cư sĩ phật tử trông coi nhang khói trong thời gian 2 năm.


Một vài hình ảnh ngôi chùa cũ (ảnh tư liệu chùa)

Đến ngày 29 tháng 9 năm 1989, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hậu Giang (cũ) mới quyết định phân Đại đức Thích Thiện Thông - thế danh Huỳnh Văn Lẽ - Chánh đại diện Ban đại diện Phật giáo huyện Châu Thành làm trụ trì. Năm 2003, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Cần Thơ có quyết định bổ nhiệm Ni sư Thích Nữ Như Tâm làm trụ trì chùa thay Đại đức Thích Thiện Thông.

Ni sư Thích Nữ Như Tâm - thế danh Lê Diệu Tâm, sinh năm Đinh Dậu – 1957, Ni sư xuất gia năm 1970 khi mới mười ba tuổi, tu học tại Chùa Long An, khu vực Yên Thượng, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Sau đó, theo Y chỉ Ni sư Trí Phát và tu học tại chùa Từ Hạnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian 3 năm. Năm 1981 mới trở về tu tại chùa Long An. Năm 1984 được phân làm Thư ký văn phòng Ban đại diện Phật giáo Huyện Châu Thành đặt tại chùa Phước Long. Năm 1989, Ni sư Như Tâm được phân công phụ trách thường trực Văn phòng Ban đại diện huyện và trực tiếp trông coi chùa. Năm 2003, được chính thức bổ nhiệm giữ chức trụ trì chùa Phước Long cho đến ngày nay.
Ni sư Thích Nữ Như Tâm

Khi được giao nhiệm vụ trông coi chùa. Năm 1994, Ni sư Như Tâm cho tiến hành đặt tượng Quán Thế Âm Bồ Tác lộ thiên cao 5,5 mét (thân tượng 4 mét, đặt trên bục tòa sen 1,5 mét) phía trước dãy nhà Tây lang của chùa. Năm 2000, tiến hành trùng tu, xây dựng  mở rộng chánh điện ra hơn 400m2 và xây thêm nhà thờ cốt 3 tầng trên diện tích hơn 30m2.

phuoclong_09.jpg
   Tượng Quán Thế Âm

phuoclong_10.jpg
Điện thờ trung tâm chánh điện

Đặc biệt vào năm 2002, để đáp ứng nhu cầu tu học của bà con phật tử, chùa cất thêm nhà giảng đường một trệch, một lầu xây kiên cố có diện tích sử dụng gần 400m2 tại khu vực Tây lang. Kinh phí xây lên trên 500 triệu đồng. Tại nơi đây chùa đã mở nhiều khóa An cư Triết hạ cho Ni cô trong thành phố Cần Thơ về dự học và hằng tháng đều có mở lớp giáo lý dành cho phật tử.
Năm 2008, cất thêm ni xá tại khu vực Đông lang dùng cho ni chúng tu học, xây kiên cố một trệch, một lầu, diện tích sử dụng hơn 400m2 và xây thêm Văn phòng Ban đại diện Phật giáo quận nằm phía bên trái cổng chùa. Tổng kinh phí xây đợt này hơn 1,2 tỷ đồng.

 II. Bố trí thờ cúng trong chùa.
Việc bố trí thờ cúng trong chùa cũng giống như các chùa khác. Chánh điện Thờ Phật A Di Đà. Phía sau chánh điện thờ Bồ Tác Địa Tạng. Bên phải thờ Tổ sư Đạt Ma. Bên trái thờ Quan Thánh Đế Quân.

phuoclong_11.jpg

phuoclong_12.jpg

phuoclong_12.jpg

phuoclong_13.jpg
                                     Tổ Bồ Đề Đạt Ma


Khu nhà hậu tổ, giữa thờ Tổ sư gồm các vị Hòa thượng trụ trì chùa đã viên mãn từ trước đến nay, 2 bên đặt bàn thờ bá tánh nam nữ.
             
III. Mối quan hệ Chùa và Phật tử.
Chùa Phước Long khai sơn đến nay đã gần 90 tuổi, 89 năm qua theo bước thăng trầm biến đổi của lịch sử địa phương, chùa cũng có nhiều sự đổi thay, từ một ngôi chánh điện đầu tiên chỉ 300m2, năm 1960 xây thêm nhà Hậu tổ gần 200m2, khoảng thập niên 70 đã xây được phòng chẩn trị Đông Y để điều trị bệnh cho dân nghèo. Từ năm 2000 trở lại đây, qua nhiều lần trùng tu, xây dựng mở rộng đến nay có được một ngôi chùa quy mô có nhà Ni xá tu học, đặc biệt có khu giảng đường – mở được nhiều khóa an cư triết hạ cho hằng trăm Ni sư ở các chùa trong khu vực thành phố Cần Thơ đến dự học, mở nhiều lớp giáo lý cho hằng ngàn Phật tử theo học. 

phuoclong_14.jpg

phuoclong_15.jpg  
Ni sư và Phật tử dự khóa học (ảnh tư liệu chùa)

      Có thể coi Chùa Phước Long là chùa có đông phật tử nhất trong các chùa ở quận Cái Răng. Hiện nay có hơn 200 phật tử và những ngày lễ cúng đặc biệt ngày rằm tháng giêng có trên 1500 người đến chiêm bái tại chùa. Ngòai ra, nhà chùa còn là nơi quan tâm chăm lo đến đời sống người nghèo như: Tham gia tích cực công tác từ thiện xã hội, hỗ trợ tập viết, học phí cho học sinh nghèo, mồ côi…; cấp phát cho người nghèo gần 1tấn gạo/năm và gởi ủng hộ cứu trợ thiên tai lũ lụt hằng trăm triệu đồng/năm…
Về phía phật tử, trong 10 năm gần đây bà con phật tử gần xa đã cúng dường cho chùa trên 2 tỷ đồng để góp phần trung tu xây dựng mới có được ngôi chùa khang trang hôm nay./.
                                     *    *    *


4. TỊNH XÁ NGỌC THUẬN
Phường Hưng Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ
 
--------------------------------------------
 
Tịnh Xá Ngọc Thuận – thuộc hệ phái Khất sĩ, tọa lạc trên diện tích rộng 3000m2, tại số 20, tổ 48, khu vực 7 (Xóm Chài), phường Hưng Phú, quận Cái Răng (đối diện với bến Ninh Kiều), thành phố Cần Thơ. Do Hòa thượng Thích Giác Thới làm trụ trì.

Tịnh Xá Ngọc Thuận
                                 
I.Lịch sử hình thành.
Tịnh Xá Ngọc Thuận được khởi lập từ ngày mồng 8 tháng 4 năm Mậu Thân – 1968. Do ông Nguyễn Thắm Tươi – pháp danh Thích Giác Thới đứng ra xây cất. Ban đầu chỉ cất một căn nhà dài cột bằng sắt ấp chiến lược, mái lợp tol để thờ Phật và tu. Toàn bộ tiền mua đất và cất Tịnh Xá đều do Thân phụ và Thân mẩu ông cho.
Ông Nguyễn Thắm Tươi, sinh ngày mồng 1 tháng giêng năm Mậu Dần – 1938 tại ấp Thới Ninh, xã Thới An Đông, huyện (nay là quận) Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Từ nhỏ lớn lên sống với gia đình, được Cha Mẹ cho đi học may ở thị trấn Ô Môn. Trong thời gian ở học và may cho tiệm may Việt Thanh tại chợ Ô Môn, hằng ngày chứng kiến thấy cảnh nhiều người bị hủi (bệnh phong), bị mù lòa, bị tật nguyền đi ăn xin… cảm thấy xót thương về thân phận con người bất hạnh, kém may mắn… qua đó liên tưởng đến thân phận của mình hiện nay và ở kiếp sau. Từ đó, không thích trần tục mà muốn đi tu.
Vào khoảng cuối năm 1959, ông Tươi tìm các vị khất sĩ đi khất thực ngang qua chợ để hỏi về con đường tu hành, được các vị ấy chỉ hãy đến các Tịnh Xá để xin tu. Về nhà Ông thuyết phục Cha Mẹ xin xuất gia. Được gia đình đồng ý, ngày đầu Ông tìm đến Tịnh Xá Ngọc Châu (tại Ô Môn) xin tu. Được các sư nữ ở đây trả lời không nhận thiện nam vào tu và chỉ đường cho ông xuống Tịnh Xá Ngọc Minh ở Cần Thơ.
Ngày rằm tháng giêng năm Canh Tý – 1960, ông Nguyễn Thắm Tươi tìm đến Tịnh Xá Ngọc Minh đường Tự Đức (nay là Lý Tử Trọng) thành phố Cần Thơ xin vào tu, được Sư trụ trì đồng ý và gởi cho phát sư Giác Nhiên và được sư Giác Nhiên vui vẽ nhận cho làm đệ tử, đặt pháp danh là Thích Giác Thới. Đó là giác duyên con đường đến nghiệp tu của ông Nguyễn Thắm Tươi và ông đã theo con đường tu học liên tục từ đó đến nay. Đến năm 2008, ông được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong Hòa thượng. Hiện nay Hòa thượng Thích Giác Thới còn là Ủy viên Ủy ban Mặt trận phường Hưng Phú.

Hòa Thượng Thích Giác Thới

Đầu năm Mậu Thân – 1968, chiến tranh diễn ra ác liệt ở khu vực trong thành phố Cần Thơ, Hòa thượng Thích Giác Thới đi tìm nơi yên tịnh không có bom đạn để tu và đã tìm đến xã Thuận Đức – nay là khu vực 7 (Xóm Chài), phường Hưng Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ mua đất cất một căn nhà dài lấy tên là Tịnh Xá Ngọc Thuận để thờ Phật và tu ở đó cho đến ngày nay.
Vì ở đây là vùng đất bồi nên rất ẩm thấp, do đó từ năm 1975 đến nay Tịnh Xá phải nhiều lần trùng tu, nâng nền, xây cất mở rộng. Lúc đầu gia đình cho tiền, những năm sau có nhiều thiện tín phật tử góp tiền cúng dường, đến năm 2000 Tịnh Xá đã hoàn chỉnh gồm có một căn nhà dài làm ngôi chánh điện, một căn nhà thờ cửu huyền, một nhà dãy hành lang rộng khoảng 300m2; một nhà khách gần 100m2; ba căn cốc và khu nhà chúng rộng 400m2. Tổng diện tích sử dụng trên 800m2.
 
II. Những đặc điểm chính của Tịnh Xá.
Tịnh Xá Ngọc Thuận nằm giữa một khu vườn cây trái của miệt vườn sông nước, nên rất yên tỉnh. Do mặt đất ở đây thấp, vì vậy phải tôn nền bằng việc đào mương lấy đất đấp nền và tạo những bờ liếp thành con đường đi lại giữa các khu nhà, các cốc ở và ngôi thờ chánh điện. Các cốc ở được xây cất theo kiểu nhà sàn vùng nước nổi. Đây là đặc điểm chính của ngôi Tịnh Xá Ngọc Thuận.
Việc bố trí thờ cúng cũng có những điểm khác biệt so với các Tịnh Xá, Tịnh Thất khác. Tất cả tập trung trong căn nhà dài ngôi chánh điện. Một pho tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cao gần 2 mét đứng bên trái trước cửa chánh điện. Đi thẳng vào trong 20 mét đặt ban thờ chính trước bức tranh sơn thủy cảnh các sư tăng ngồi lễ Phật bên gốc Bồ Đề. Trên ban thờ xếp ba pho tượng Phật - ở giữa là Phật Thích Ca Mầu Ni ngồi trên tòa sen, 2 bên 2 pho tượng đứng là Đức Thích Ca ôm bát và Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.  Bên dưới xếp ba pho tượng Phật ngồi - ở giữa là Phật A Di Đà, 2 bên là Đại Thế Chí Bồ Tát và Quán Thế Âm Bồ Tát .
Hai bên vách, bên trái đặt bàn thờ thờ ảnh Phật A Di Đà trên đầu tủ kinh Phật, bên phải đặt một bàn thờ thờ Đức Tổ sư  Minh Đăng Quang trên đầu tủ kinh Phật. Mặc dù không hình thức phô trương, nhưng đã thể hiện được sự tôn nghiêm nơi tu hành.
Ban thờ chính nơi chánh điện

Tượng Quán Thế Âm phía bên trái trước cửa

Bàn thờ Đức Tổ sư Minh Đăng Quang

Ngoài ra trong Tịnh Xá còn có 8 câu tứ tuyệt đối ứng với nhau do chính Hòa thượng Thích Giác Thới viết:
Tịnh trí yên tâm suốt cả đời
gì sống chết vẫn thảnh thơi
Ngọc Phật ma ni người người có
Thuận cả chúng sanh khấp đất trời.
        ****
Tịnh vọng hai tên chẳng có dùng
gì siêu đọa vẫn thung dung
Ngọc Phật hay không hai là một
Thuận nghịch không tên mới thủy chung.

III. Mối quan hệ giữa Tịnh Xá và phật tử.
Tịnh Xá Ngọc Thuận ra đời đến nay mới được 41 năm, những ngày đầu gần như không có phật tử, dần dần đã thu hút được nhiều quý phật tử gần xa đến Tịnh Xá. Hiện nay có khoảng 200 phật tử theo tu, điểm đặc biệt hằng tuần có khoảng 30 phật tử đến nghe Hòa thượng Thích Giác Thới giảng đạo. Những lễ ngày rằm tháng giêng, rằm tháng 4, rằm tháng 7 hằng năm có khoảng 500 đến 700 bà con phật tử đến bái viếng Phật.
Bản thân Hòa thượng Thích Giác Thới rất quan tâm đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và tích cực tham gia làm công tác từ thiện xã hội với chính quyền địa phương như cho quà tết, tặng tập viết cho học sinh nghèo, cho quần áo và cấp phát hằng tấn gạo cho người nghèo nhân ngày tết Nguyên đán, ngày rằm tháng 7 hằng năm.
Mặc dù, Hòa thượng không chủ trương đi quyên góp vận động xin quà tiền, nhưng có rất nhiều quý phật tử gần xa trực tiếp mang quà tiền đến Tịnh Xá để giúp đở người nghèo. Đặc biệt có những gia đình phật tử ở chợ Cần Thơ thuộc quận Ninh Kiều – thành phố Cần Thơ đã mang đến Tịnh Xá gởi cúng dường hằng tấn gạo để phân phát cho người nghèo./.

                                   *      *      *


 
5. TỊNH THẤT NGỌC KIM
Khu vực Yên Bình, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ
-------------------------------------------
Tịnh thất Ngọc Kim - thuộc hệ phái Khất sĩ, tọa lạc trên diện tích 1580m2 tại khu vực Yên Bình, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Do Ni trưởng Thích Nữ Đắc Liên trụ trì.
  Toàn cảnh Tịnh Thất Ngọc Kim

I. Lịch sử hình thành Tịnh Thất.
Tịnh Thất Ngọc Kim khởi nguyên từ năm Kỷ Mùi – 1979, do bà Huỳnh Kim Ký – Chủ lò bánh mì Đại Tân ở Cái Răng cúng dường toàn khu đất 1580m2 và tiền cho Ni trưởng Thích Nữ Đắc Liên đứng ra xây cất và đặt tên “Tịnh Thất Ngọc Kim”. Ban đầu chỉ xây cất thảo am bằng cột gổ mái lợp lá che mưa che nắng. Đến năm 1982, xây mới lại bằng vật liệu kiên cố tường gạch mái lợp tol, xây mở rộng ngôi chánh điện 100m2, xây thêm khu nhà ni chúng cập bên trái rộng hơn 100m2 và nhà tiếp khách trước chánh điện rộng hơn 50m2. Giữ nguyên hiện trạng cho đến ngày nay.
 
Về Ni trưởng Thích Nữ Đắc Liên, thế danh là Đoàn Thị Sánh, sinh năm 1944  người ở xã Nhơn Ái, huyện Châu Thành nay là Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Người xuất gia năm 1960, thời còn rất trẻ - mới 16 tuổi, theo tu học tại Tịnh xá Ngọc Phương, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. Đến cuối năm 1975, rời Tịnh xá Ngọc Phương về Kinh Chợ, huyện Phong Điền cất một cái am nhỏ để tu. Đến năm 1977, Ni trưởng chuyển về Cây Số Mười, cất lại cái am cặp quốc lộ 1A Cần Thơ - Sóc Trăng - thuộc khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng để tiếp tục tu.

Ni trưởng Thích Nữ Đắc Liên

Năm 1979, Ni trưởng Đắc Liên tình cờ gặp được bà Huỳnh Kim Ký và bà Ký mời Ni trưởng về thị trấn Cái Răng và đã cúng dường tiền, đất để xây cất Tịnh Thất – đây là một cơ duyên để có Tịnh Thất Ngọc Kim cho đến ngày nay.
II. Những đặc điểm chính của Tịnh Thất.
Vị trí của Tịnh Thất Ngọc Kim nằm ven thị trấn, trong khu vực còn nhiều vườn tược chung quanh nên rất yên tịnh. Với diện tích đất không rộng, nhưng việc xây dựng tách biệt giữa ngôi chánh điện với khu nhà ni chúng đã tạo ra được khoảng sân rộng và thoáng. Vì vậy, khi bước vào cổng Tịnh Thất, bên phải có Thánh tượng Quán Thế Âm Bồ Tát với tượng Đức Phật Di Lặc ngồi , bên trái có pho tượng Đức Phật Địa Tạng đứng trên tòa sen đã cho ta một cảm giác tôn nghiêm và an lành. 
Tượng Quán Thế Âm và Đức Di Lặc
Tượng Phật Địa Tạng bên trái sân Tịnh Thất  
   
Qua sân nhà khách, vào ngôi chánh điện. Việc bày trí ban thờ cũng rất tôn nghiêm chia thành ba bậc. Bên trên thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mầu Ni ở giữa ngồi tỉnh tọa trên tòa sen, 2 bên có 2 pho tượng đứng Quan Thế Âm Bồ Tác và Đại Thế Chí Bồ Tát. Bậc giữa đặt tượng Bồ Tát Chuẩn Đề. Bậc dưới xếp tượng Đức Phật Di Lặc.


  Ban thờ chánh điện của Tịnh Thất

Ngoài cửa chánh điện bên trái có gát chuông, bên cạnh có treo tấm bảng lưu niệm ngày tấn phong giáo phẩm cho Ni sư Thích Nữ Đắc Liên vào ngày 18 tháng 2 năm Quí Mùi – 2003 do đệ tử Thích Nữ Tín Liên kính mừng. Phía sau chánh điện là khu nhà thờ Hậu tổ.





III. Mối quan hệ giữa Tịnh Thất với phật tử.
Mặc dù Tịnh Thất Ngọc Kim ra đời đến nay mới tròn 30 năm, nhưng mối quan hệ giữa Tịnh Thất và Ni trưởng với bà con phật tử trong vùng rất tốt đẹp. Ngày đầu Tịnh Thất có chưa đến 20 phật tử, đến nay đã có gần 100 phật tử theo tu. Những ngày lễ lớn có rất đông bà con phật tử đến cúng viếng.
Ni trưởng Thích Nữ Đắc Liên từ trước đến nay rất tích cực tham gia làm công tác từ thiện xã hội. Ni trưởng luôn quan tâm đến bà con phật tử nghèo và giúp đở những người có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm nhân ngày lễ rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, Tịnh Thất đã phát chẩn gần 1 tấn gạo cho người nghèo.
Nhiều phật tử gởi tiền cúng dường và đóng góp nhiều công sức cho Tịnh Thất. Đặc biệt có một gia đình phật tử đã cúng toàn bộ số tượng Phật đang được xếp thờ tự trong Tịnh Thất hiện nay.
Bà con phật tử luôn coi Tịnh Thất là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, là nơi nương tựa về lĩnh vực tinh thần và còn là nơi giải thoát mọi phiền muộn khổ đau./.

                                        *      *      *
 

6. TỊNH THẤT PHÁP NHƯ
Phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ
-------------------------------------------
 

Tịnh Thất Pháp Như, thuộc hệ phái Khất sĩ. Tọa lạc trên diện tích rộng 137m2 tại số 64/3 đường Võ Tánh, khu vực Yên Thượng, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Trước đây, Tịnh Thất do gia đình bà Nguyễn Thị Tây – pháp danh Thích Nữ Diệu Thành đứng ra xây cất vào năm Nhâm Tý – 1972 tu theo phạm vi gia đình. Hiện nay, do Tỳ kheo ni Thích Nữ Hiền Liên trụ trì. 
Tịnh Thất Pháp Như

I. Lịch sử hình thành.
Tịnh Thất Pháp Như được khởi lập vào năm Nhâm Tý – 1972, do gia đình bà Nguyễn Thị Tây - pháp danh Thích Nữ Diệu Thành đứng ra xây cất và tu hành. Đến năm 1981, Tịnh Thất Pháp Như chính thức gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam .
Ni sư Thích Nữ Diệu Thành tu và trụ trì Tịnh Thất từ ngày khởi nguyên cho đến năm 1995 được con cháu bảo lãnh đi nước ngoài theo diện đoàn tụ gia đình. Tịnh Thất được truyền lại cho Ni sư Thích Nữ Hiền Liên trụ trì và trông coi nhang khói. Đến ngày 24 tháng hai năm 2005 Ban trị sự thành hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ có quyết định chứng nhận Tỳ kheo ni Thích Nữ Hiền Liên làm trụ trì Tịnh Thất cho đến hôm nay.
Tỳ kheo ni Thích Nữ Hiền Liên (là cháu gọi Ni sư Diệu Thành bằng cô ruột) – thế danh Nguyễn Ngọc Châu sinh năm Canh Dần – 1950, ở thành phố Phnompenh – Campuchia. Năm 1969 về Việt Nam sinh sống. Ngày rằm tháng 4 năm 1973, bà Nguyễn Ngọc Châu xuất gia – lấy pháp danh Thích Nữ Hiền Liên theo tu học tại Tịnh xá Ngọc Bình, xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Thủ (Sông Bé – Bình Dương) đến hết năm 1976. Năm 1977 về trụ xứ tại Tịnh Thất Pháp Như. Năm 1978 chuyển sang tu tại Tịnh xá Ngọc Bình, phường Cái Khế, Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Năm 1979 đến năm 1985 chuyển lên tu tại Tịnh xá Ngọc Huệ, ấp Đông Sơn 2, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Năm 1986 chuyển về lại Tịnh Thất Pháp Như cho đến ngày nay. Ni sư Thích nữ Hiền Liên đã học xong chương trình sơ cấp Phật học trong thời gian tu ở Tịnh xá Ngọc Bình. 
Tỳ kheo ni Thích Nữ Hiền Liên
II. Những đặc điểm chính của Tịnh Thất Pháp Như.
Tịnh Thất Pháp Như khởi lập là một Tịnh Thất gia đình, sau khi gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981, Tịnh Thất đã mở rộng cho nhiều sư cô vào tu. Hiện nay đã có 1 ni sư và 3 sư cô đang tu tại Tịnh Thất và có hơn 100 phật tử. Vì diện tích đất của Tịnh Thất rất hẹp (137m2) mà lại chia thành 2 địa điểm đối diện nhau bởi khoảng cách một mặt đường. Để đáp ứng nhu cầu tu học của đông đảo bà con phật tử, từ năm 1993 đến nay Tịnh Thất đã nhiều lần trùng tu, xây dựng, hiện nay bên phần nhà ni chúng đã được mở rộng thêm hơn 200m2.
Mặt dù diện tích hẹp, nhưng Tịnh Thất được bố trí sắp xếp nơi thờ tự rất tôn nghiêm. Bên khu chánh điện, qua cổng chính, trên sân Tịnh Thất bên trái có pho tượng Quán Thế Âm Bồ Tát lộ thiên. Ngay cửa chính đặt một pho tượng Phật Di Lặc Bồ Tát cao khoảng 0,8 mét, phía sau lưng có 7 tầng tháp đèn dượt sư gồm 50 tượng Phật và 49 ngọn đèn.

 Tượng Phật Di Lặc và tháp đèn dượt sư
 
Bên trong chánh điện, trung tâm đặt ban thờ chính. Bậc trên xếp 3 pho tượng Phật: ở giữa Đức Thích Ca Mầu Ni ngồi trên tòa sen, đứng bên phải là Đức Tôn Giả Ca Diếp, bên trái là Đức Tôn Giả A Nan. Bậc giữa có 3 pho tượng Phật: đứng bên phải là Đại Thế Chí Bồ Tát, bên trái là Quán Thế Âm Bồ Tát và ngồi giữa là Bồ Tát Di Lặc. Bậc dưới, ở giữa đặt tượng Phật Đản sanh với bộ lư hương - chân đèn bằng đồng, hai bên đặt chuông mỏ, những mâm trái cây và bình hoa tươi.
Vách bên phải, phía trong đặt bàn thờ thờ chân dung Đức Tổ sư Minh Đăng Quang quay ra hướng cửa, phía ngoài đặt tượng ông Hộ Pháp. Vách bên trái, phía ngoài đặt tượng ông Tiêu Diện.
Bên dưới bàn thờ 2 ông Hộ Pháp và ông Tiêu Diện được xây thành tủ chứa trên 100 quyển sách kinh

  Bàn thờ Tổ sư Minh Đăng Quang
Bên khu nhà ni chúng, phía trước được chia ra làm 2 gian. Gian chính cũng được đặt ban thờ thờ các tượng Phật như bên chánh điện, gian bên làm phòng khách. Phía sau là một giảng đường và nhiều phòng cho các sư cô ăn ở và tu học.
Tại giảng đường, Tịnh Thất Pháp Như thường xuyên mở nhiều lớp “Thọ Bát Quan Trai”  và thỉnh nhiều vị Hòa thượng, Ni trưởng, Thượng tọa các nơi về giảng dạy. Hiện nay, các lớp học này có rất đông sư cô và quý bà con phật tử theo học, mỗi lớp học có khoảng 50 người tham dự, có lớp số lượng lên đến gần 100 người.


  Lớp học “Thọ Bác Quan Trai”

Hằng năm, Tịnh Thất có các ngày lễ lớn như rằm Thượng ngươn 15 tháng giêng, lễ Vu Lan mồng 7 tháng 7, rằm Trung ngươn 15 tháng 7 và rằm tháng 10. Những ngày này có hằng trăm bà con phật tử gần xa đến cúng viếng Tịnh Thất. Nhân ngày tết Nguyên đán và khoảng 3 tháng một lần trong năm, Tịnh Thất còn trao nhiều phần quà cho người nghèo, mỗi phần gồm có: gạo, nước tương, bột ngọt, mì gói, mì sợi… tương đương 100.000đ/phần. Ngoài ra còn cho nhiều tập viết, quần áo cho học sinh nghèo. Được biết, số tiền làm từ thiện của Tịnh Thất Pháp Như ngoài tiền của bà con phật tử cúng dường, thì trong phần lớn khoảng tiền đó là do chính công sức các sư cô ở Tịnh Thất tự lao động làm ra, như nhận may đồ gia công, sang sợi, thêu đan ren màn và làm các loại thực phẩm chay để cung cấp cho người bán ngoài chợ v.v… ./.

                                          *      *      *

7. CHÙA LINH THẠNH
Phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ
-------------------------------------
 Chùa Linh Thạnh, thuộc hệ phái Bắc tông có tên “Linh Thạnh Tự”. Tọa lạc trên diện tích đất 1250m2, tại số 18/4B đường Võ Tánh, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, cách trung tâm thị trấn Cái Răng 1500 mét về hướng Tây Nam. Chùa được khai lập từ năm 1920, phần đất và tiền do Thân sinh của Hòa thượng Thích Thiện Đức hiến cúng và Hòa thượng Mười đứng ra xây cất. Hiện nay, do Tỳ kheo ni Thích Nữ Huệ Minh trụ trì.
 Cổng Chùa Linh Thạnh

I.Lịch sử hình thành ngôi chùa.
Năm 1920, Thân sinh của Hòa thượng Thích Thiện Đức là người mua đất hiến cúng cho Hòa thượng Mười (người ở núi tượng) trực tiếp đứng ra trông coi xây cất chùa. Ban đầu chùa rất hoang sơ, đơn giản với những cột cây, mái lợp lá để che mưa che nắng. Hòa thượng Mười trụ trì chùa khoảng thời gian 5 năm, chuyển nhiệm lại cho Hòa thượng Thích Thiện Đức trụ trì, đến ngày 14 tháng 5 năm 1974 Hòa thượng Thiện Đức viên tịch.
Trong thời gian trụ trì chùa, Hòa thượng Thích Thiện Đức – thế danh Dương Văn Thuần cho cất lại chùa mới lớn hơn vách xây từng gạch, mái lợp bằng ngói vào năm 1948. Đến năm 1972, trùng tu và xây thêm tầng trên của chánh điện và giữ nguyên hiện trạng cho đến hôm nay.
Năm 1974, sau khi Hòa thượng Thiện Đức viên mãn, Ni sư Thích Nữ Diệu Hạnh – thế danh Nguyễn Thị Bảy lên kế nhiệm trụ trì chùa vào năm 1975 đến ngày mồng 5 tháng 8 năm 1999 thì viên tịch.
Năm 1999, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam – tỉnh Cần Thơ bổ nhiệm Tỳ kheo ni Thích Nữ Huệ Minh về trụ trì chùa cho đến ngày nay.
Tỳ kheo ni Thích Nữ Huệ Minh - thế danh Nguyễn Thị Bạch Mai sinh năm 1963, là người ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.
Sư cô Thích Nữ Huệ Minh quy y Phật từ năm 1984 tại chùa Long An ở khu vực Yên Thượng, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, và năm sau 1985, xuất gia tu tại chùa Linh Thạnh cho đến ngày nay.
Trong thời gian hơn 24 năm tu hành, Sư cô Thích Nữ Huệ Minh đã được tham gia nhiều khóa học An cư Kiết hạ và lớp bồi dưỡng trụ trì chùa. 
    Tỳ kheo ni Thích Nữ Huệ Minh

II. Những đặc điểm chính của chùa Linh Thạnh.
Chùa Linh Thạnh từ ngày khai lập đến nay gần tròn 90 năm, mặc dù chưa phải là ngôi chùa cổ nhất trong quận Cái Răng, tuy nhiên đây là ngôi chùa có hơn 40 tượng phật lớn nhỏ, số lượng lớn tượng Phật được làm cách đây hơn 70 năm. Việc bày trí khuôn viên chùa và sắp xếp các tượng Phật thờ cúng trong chùa có nhiều điểm khác biệt so với những chùa Phật khác.
Trước cổng tam quan chùa có đặt tượng Quan Âm Thị Kính bồng con, có 2 con sư tử đứng ở 2 bên. Phía bên trái cổng tam quan có đặt tượng Thái tử Tất Đạt Đa cỡi ngựa cùng với tượng Xa Nặc vượt thành xuất gia. 

 Tượng Quan Âm Thị Kính 

Tượng Thái tử Tất Đạt Đa
Qua cổng tam quan, bắt gặp Thánh tượng Quán Thế Âm Bồ Tát lộ thiên cao hơn 3 mét đặt trên bục tòa sen cao hơn 2 mét nằm bên trái sân chùa.
Tượng Quán Thế Âm lộ thiên

Trong sân chùa, có một cột phướng ở giữa một vườn hoa kiểng, cây bonsai; 2 mặt trước sau ở chân cột phướng đặt tượng thờ Đức Phật Thích Ca Mầu Ni ngồi và tượng đứng Bồ Tát Thích Quảng Đức. Trên sân chùa còn có xây cách điệu 7 bậc tòa sen với tượng Phật Đản Sanh. Trước cửa chùa còn có nhiều tượng Phật khác. Ngoài ra, trên sân chùa còn có Bảo tháp Phật và tháp của cố Hòa thượng Thượng Thiên Hạ Đức.

 Tượng Phật Đản Sanh với 7 bậc tòa sen

Ngôi chánh điện, xây tường gạch có một gát lầu, nóc chùa mái lợp ngói. Trên gát lầu bày trí thờ Tam Thánh Chúng cùng tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn, bên phải xếp tượng Ca Diếp, bên trái xếp tượng Mục Kiều Liên, phía trước đặt pho tượng Bồ Tát Di Lặc thật to.
Dưới chánh điện, giữa trung tâm đặt ban thờ được xếp tượng thờ cả 4 mặt. Trên cao nhất xếp pho tượng Phật A Di Đà ngồi cao gần 2 mét (tượng này được đúc tạc cách nay hơn 70 năm), bên phải có pho tượng đứng Bồ Tát Đại Thế Chí, bên trái có pho tượng đứng Bồ Tát Quán Thế Âm, bên dưới có tượng Phật Đản Sanh và phía sau xếp pho 3 tượng - Ngọc hoàng Thượng đế ở giữa, một bên là tượng Nam Tào, một bên là tượng Bắc Đẩu; Mặt hông bên trái xếp  tượng Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, mặt hông bên phải xếp tượng Đức Già Lam Thánh Chung Bồ Tát; Mặt phía sau đặt bàn thờ Hậu tổ có xếp tượng Đức Lạc Ma Tổ sư. Đối diện với bàn thờ Hậu tổ có xếp pho tượng Đức Phật Di Lặc.
Phía trước ban thờ chính điện, 2 bên còn xếp 2 pho tượng đứng - ông Hộ Pháp và ông Tiêu Diện. Ngoài ra, 2 bên vách còn có: bên phải là bàn thờ nam nử cô hồn, bên trái là trai thờ trăm quan cựu thần. Đối diện với ban thờ chính điện dựng tháp đèn dược sư.

  Ban thờ chánh điện
Phía sau ngôi chánh điện là nhà Quả đường xếp pho tượng Phật Chuẩn Đề Bồ Tát, đối diện với bàn thờ Phật Chuần Đề có bàn thờ di ảnh của cố Hòa thượng Thích Hạ Đức.

    Điện thờ cố HT.Thích Thiện Đức

Dự kiến trong thời gian tới nhà chùa sẽ trùng tu lại chánh điện, xây dựng lại nhà trù và đặt tượng Giám Trai Sứ Giả.
III. Mối quan hệ nhà chùa với bà con phật tử và xã hội.
Chùa Linh Thạnh đã gắn bó tốt đẹp với bà con phật tử trong suốt gần 90 năm qua. Nhà chùa còn là chổ dựa tinh thần cho bà con phật tử trong vùng, còn là nơi đem đến đời sống giác ngộ và giải thoát mọi phiền muộn khổ đau. Hiện nay nhà chùa có 3 Sư cô đang tu và có gần 200 phật tử theo tu tại chùa.
Trong năm, chùa có tổ chức rất nhiều ngày lễ như:
-         Lễ Thượng ngươn - Rằm tháng giêng,
-         Lễ Phật Đản – Rằm tháng tư,
-         Lễ húy kỵ cố Hòa thượng Thượng Thiên Hạ Đức ngày 13 và 14 tháng năm,
-         Lễ kỵ giổ bà Thường Trụ ngày 11 tháng bảy,
-         Lễ Trung ngươn và lễ Vu Lan – Rằm tháng bảy,
-         Lễ kỵ giổ Ni sư Thích Nữ Diệu Hạnh ngày mồng 4 và 5 tháng tám,
-         Lễ Hạ ngươn – Rằm tháng mười một,
-         Lễ vía Phật A Di Đà ngày 17 tháng mười một.
Trong những ngày lễ này, bà con phật tử đến chùa rất đông. Đặc biệt các ngày rằm tháng giêng, rằm tháng 7 có gần 1000 bà con phật tử xa gần đến cúng viếng cảnh chùa.
Ngoài các ngày lễ chùa, nhà chùa và Tỳ kheo ni Thích Nữ Huệ Minh còn thường xuyên đi tụng niệm cầu siêu cầu an cho các gia đình phật tử và tham gia tích cực làm công tác từ thiện, xã hội như: giúp đở, tặng quà cho bà con phật tử có hoàn cảnh khó khăn, phát tập viết cho học sinh nghèo … Riêng trong các ngày rằm tháng giêng, rằm tháng 7 hằng năm nhà chùa còn cấp phát 700 đến 1000kg gạo mỗi đợt cho người nghèo./.

                                                ***     ***     ***


8. CHÙA LONG AN ( Ni )
Phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ
------------------------
Chùa Long An có tên gọi là “Long An Tự” thuộc hệ phái Bắc tông, tọa lạc trên diện tích gần 1000m2 tại số 045, khu vực Thạnh Mỹ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Chùa nằm cặp bên phải ngọn rạch Cái Răng Bé (nhánh Đông) đường vô Ngã Sáu, cách trung tâm thị trấn Cái Răng khoảng 1000 mét về hướng Đông Nam. Hiện nay, do Tỳ Kheo ni Thích Nữ Diệu Minh trụ trì.
Chùa Long An

I. Lịch sử hình thành.
Chùa Long An được khai lập vào năm Ất Hợi – 1935, tiền và đất cất chùa do ông Đổ Văn Quốc hiến cúng và Hòa thượng Mười (người ở Sa Đét – tục gọi Thầy Mười Phí) đứng ra trông coi xây cất và trụ trì. Ban đầu chỉ cất một thảo am nhỏ bằng cột cây, mái lợp lá để thờ Phật và tu. Sau đó chùa được ông Đổ Văn Khuê là con của ông Đổ Văn Quốc đứng ra trùng tu xây dựng lại – vách xây tường gạch, mái lợp ngói.
Thời gian này, chùa có rất nhiều chư tăng đến tu nhưng đều không trụ trì được lâu.
Đến đầu năm 1966, Hòa thượng Thích Thiện Châu – thế danh là Huỳnh Văn Lành (tên thường gọi là ông Đạo Lành) sinh năm Nhâm Thân – 1932, người ở Ba Láng, Cái Răng về trụ trì đến hết năm 1969 cũng chuyển đi, về tu ở chùa Long An – phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Thời gian này chùa được chuyển cho Thầy Ba Khía trông coi được 2 năm rồi cũng chuyển đi. Mãi đến năm Quý Sửu – 1973, mới có Sư cô Thích Nữ Diệu Hiền – thế danh Lê Thị Năm, sinh năm Ất Hợi – 1935 về tu và trụ trì chùa cho đến ngày 23 tháng 9 năm 2002 mới viên tịch – hưởng thọ 67 tuổi.
Tháng 11 năm 2003, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Cần Thơ có quyết định phân Tỳ kheo ni Thích Nữ Diệu Minh về trụ trì chùa cho đến ngày nay.
Sư cô Tỳ kheo ni Thích nữ Diệu Minh - thế danh Lê Thị Tròn, sinh năm Kỷ Hợi – 1959, người ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành tỉnh Hậu Giang. Xuất gia năm 1988, tu tại chùa Phước Long, thị trấn Cái Răng, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
Năm 1998, Sư cô Thích nữ Diệu Minh tham dự lớp Cao đẳng Phật học khóa I tại chùa Bửu Ân, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ và đã tốt nghiệp vào năm 2001, sau đó còn tham gia nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng trụ trì chùa.
Tỳ kheo ni Thích nữ Diệu Minh

Ngày đầu, Sư cô Diệu Minh về nhận một ngôi chùa cũ dột nát, năm 2006 Sư cô cho xây sửa lại khu nhà chúng; ngày 24 tháng 10 năm 2007 tiến hành khởi công xây cất mới lại ngôi Tam Bảo (chánh điện) rộng 144m2, đến ngày 11 tháng 10 năm 2008 thì hoàn thành bằng số tiền của thiện nam tín nữ phật tử gần xa (có cả phật tử đang ở nước ngoài) gởi cúng dường lên đến hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, vừa hoàn thiện sân chùa, tiếp tục xây cổng chùa và làm hàng rào chung quanh.

II. Những đặc điểm chính của ngôi chùa.
Chùa Long An, từ ngày khởi lập đến nay đã được 64 năm. Mặc dù so với thời gian lịch sử thì không phải dài, nhưng 64 năm qua chùa Long An cũng như những ngôi chùa khác nằm ven thành phố Cần Thơ đều phải chịu nhiều sự ảnh hưởng tác động nặng nề trong một thời gian dài của 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Vì vậy, với một thời gian dài 64 năm, mặc dù nhà chùa luôn gắn bó với bà con phật tử xung quanh bám đất giữ làng, nhưng chùa Long An (mặc dù năm 1991 Sư cô Diệu Hiền có trùng tu lại ngôi chánh điện) vẫn là một ngôi chùa nhỏ bé hoang sơ dột nát, mãi đến năm 2008, nơi đây mới có được ngôi chùa khá khang trang như ngày hôm nay.
Nhìn toàn cảnh, với một khoảng sân không rộng lắm, nhưng được tôn tạo lại rất thoáng mát trang nghiêm, ở giữa sân có đặt Thánh tượng Quán Thế Âm Bồ Tát lộ thiên cao hơn 2 mét.

                                                           Quán Thế Âm Bồ Tát

Bên trong sân là ngôi Tam Bảo vừa mới được xây cất mới trên nền cao 6 bậc cấp, với diện tích rộng 144m2. Trước cửa chính điện, tôn tượng Đức Phật Di Lặc cao 1,5 mét. 
                    
                                                               Di Lặc Bồ Tát

Vào chánh điện, trên ban thờ ở giữa vẽ một bức tranh sơn thủy có gốc cây Bồ Đề, phía trước tôn một pho tượng Đức Phật tổ A Di Đà cao 2 mét ngồi trên tòa sen. Bậc giữa, xếp một tượng Phật Đản Sanh nhỏ đứng sau pho tượng Đức Thích Ca Mầu Ni ngồi trên tòa sen cao 1 mét, hai bên có 2 tượng Phật đứng là Đại Thế Chí Bồ Tát và Quán Thế Âm Bồ Tát.
                                                      Ban thờ chính điện
Phía sau chánh điện, đặt bàn thờ Hậu tổ, trên bàn thờ có đặt tượng Đức Tổ sư Đạt Ma. Đối diện có tượng Chuẩn Đề Bồ Tát.
        Đức Tổ Sư Lạc Ma  
                     
Phật Chuẩn Đề Bồ Tát
Bên phải có tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát. Bên trái có tượng Đức Già Lam Thánh Chung Bồ Tát.
 Đức Già Lam Thánh Chung Bồ Tát
Địa Tạng Vương Bồ Tát  
Phía sau ngôi Tam Bảo là khu nhà chúng rộng hơn 120m2, sau nhà chúng là khu nhà bếp của chùa rộng khoảng 100m2. Tại đây sẽ là nơi tổ chức những ngày trai giới cho bà con phật tử đến dự lớp “Thọ Bát Quan Trai”.
III. Mối quan hệ giữa nhà chùa và xã hội.
Từ một ngôi chùa không còn phật tử vào năm 1969 - 1973, hiện nay Chùa Long An đã có hơn 200 phật tử quy tụ về tu học. Hằng năm, nhà chùa có tổ chức nhiều ngày lễ lớn trong năm như rằm tháng giêng, rằm tháng tư, rằm tháng bảy và rằm tháng mười… Những ngày lễ này, chùa có tổ chức một ngày “Thọ Bát Quan Trai” cho bà con phật tử đến dự học. Trong thời gian tới, khi chùa đã hoàn thành xây dựng cơ bản, sẽ tổ chức lớp học này theo định kỳ một tháng một lần.

Ngày Thọ Bác Quan Trai tại chùa
Hiện nay, nhà chùa còn giúp đở và cho nhiều học sinh, sinh viên nghèo ở các tỉnh đang theo học ở các trường Cao đẳng, Đại học tại Cần Thơ ở trọ miễn phí. Ngoài ra, Sư cô Diệu Minh và nhà chùa tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội cùng với chính quyền địa phương giúp đở người nghèo. Hằng năm, chùa còn mua hàng trăm cuốn tập viết cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học và phát chẩn hơn một tấn gạo cho bà con phật tử nghèo trong vùng.
Về phía bà con phật tử, từ ngày chùa Long An gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam , bà con phật tử dần dần quy tụ đến chùa. Đến nay, nhiều bà con ở gần xa đã gởi đến cúng dường cho nhà chùa số tiền hơn 1 tỷ đồng, góp phần xây dựng lại ngôi Tam Bảo, bày trí tôn nhiều tượng Phật thờ cúng trong và ngoài chùa khang trang, xây sửa lại sân chùa và hàng rào chung quanh./.

                                             **     **       **


9. CHÙA LONG AN
Phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ
----------------------
Chùa Long An, thuộc hệ phái Bắc tông. Tọa lạc trên diện tích rộng 5000m2 tại số 5/5 đường Võ Tánh, tổ 1, khu vực Yên Thượng, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ (phần đất này do bà Hàm Thọ ở Rạch Đôi, nay là phường Ba Láng, quận Cái Răng - cúng dường đất trước đây là 15.000m2). Hiện nay do ông Huỳnh Văn Lẽ, chức sắc Thượng tọa, pháp danh Thích Thiện Thông – Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam – thành phố Cần Thơ, kiêm Trưởng ban nghi lễ, kiêm Chánh Ban đại diện Phật giáo quận Cái Răng làm trụ trì chùa.
                                                          Chùa Long An
  I. Lịch sử hình thành ngôi chùa.
Chùa Long An được xây dựng vào năm Đinh Mẹo – 1927. Ngày đầu, chùa có tên gọi là “Linh Đông Tự” - do Hòa thượng Mười (người ở Sa Đéc – tục gọi Thầy Mười Phí) khởi lập. Ngôi chùa ban đầu được xây bằng tường gạch vôi, mái lợp ngói. Ngôi chánh điện rộng khoảng 100m2, cùng với khu nhà hậu tổ 150m2.
Ba năm sau, Hòa thượng Thích Thiện Kế - hiệu húy Tâm Thương giữ trụ trì chùa đến ngày mồng chín tháng 7 năm 1949 viên tịch – hưởng dương 69 tuổi.
Từ năm 1949 trở về sau này mặc dù chùa có rất nhiều chư tăng, ni đến tu học, tuy nhiên nhà chùa không còn được hưng thạnh như thời kỳ đầu. Đến tháng giêng năm 1970, Hòa thượng Thích Thiện Châu – thế danh là Huỳnh Văn Lành (tên thường gọi ông Đạo Lành) sinh năm Nhâm Thân - 1932, người ở Ba Láng, Cái Răng  về trụ trì - đổi tên là “Chùa Long An” và tiến hành trùng tu sửa chữa chùa và chấn hưng lại việc tu học trong chùa làm cho nhà chùa ngày càng được tôn nghiêm. Đến ngày 26 tháng 6 năm 1985 Hòa thượng viên tịch – hưởng dương 53 tuổi.
Sau khi Hòa thượng Thiện Châu viên mãn, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hậu Giang (cũ) quyết định bổ nhiệm Thượng tọa Thích Thiện Thông giữ trụ trì chùa từ năm 1985 cho đến nay. Hiện đang có 5 chư tăng, 6 sư cô tu học và gần 250 phật tử theo tu tại chùa. Là ngôi chùa có các tăng, ni tu học nhiều nhất trong quận Cái Răng.
Thượng tọa Thích Thiện Thông, thế danh là Huỳnh Văn Lẽ, sinh năm Bính Thân – 1956, là người sinh ra tại Cái Răng. Xuất gia tu học thời còn rất trẽ (năm 1978) tại Chùa Long An. Trong quá trình tu học, Thượng tọa đã được dự rất nhiều khóa giáo lý của Giáo hội, trong đó có khóa tập huấn trụ trì chùa. Có thể xem cuộc đời của Thượng tọa Thiện Thông gắn liền với ngôi chùa Long An này. Từ khi nhận chức trụ trì chùa, Thượng tọa đã tiến hành trùng tu lại ngôi nhà Hậu tổ vào năm 1989. Đến năm 1999, xây dựng lại toàn bộ ngôi chánh điện với diện tích 324m2, kinh phí xây dựng lên đến 1,2 tỷ đồng bằng tiền của phật tử gần xa cúng dường.
    Thượng tọa Thích Thiện Thông 
Tháng 5 năm 2008 khởi công dựng tượng Quán Thế Âm Bồ Tác lộ thiên trên sân chùa cao 13,5 mét (thân tượng 10,5 mét, bục tòa sen cao 3 mét). Làm lễ an vị Thánh tượng vào ngày 19/9/2008.
Theo dự kiến của Thượng tọa Thích Thiện Thông - trong tương lai từ đây đến năm 2015 chùa sẽ tiếp tục xây lại nhà chúng rộng 400m2, xây cổng chùa và làm tường rào chung quanh, trồng thêm cây cổ thụ và trùng tu lại khuông viên 5000m2 của chùa.
II. Những nét đặc biệt tiêu biểu của chùa.
Chùa Long An từ ngày khai sơn đến nay mới được 82 năm, chưa phải làm ngôi chùa cổ nhất trong quận Cái Răng, tuy nhiên về mặt kiến trúc và quy mô xây dựng thì đây là ngôi chùa to lớn nhất và khuông viên đất rộng nhất trong 10 chùa ở quận Cái Răng.
Với ngôi chánh điện rộng 324m2, chiều cao trên 12 mét, được xây dựng theo lối kiến trúc chữa Đinh, lợp 2 tầng mái ngói âm dương, cuối góc mái ngói tạo nét uốn cong lên, trên nóc gắn lưỡng Long, ở giữa có hình đầu rồng bên trên có bánh xe pháp luân; trên những con lươn dằn mái ngói: mái tầng trên, gắn hình tượng Long Quy; mái tầng dưới, gắn hình tượng Lân Phụng. Tất cả những hình tượng trên mái chùa được chạm đắp rất tinh tế và khéo léo. Ngôi chùa được xây trên cấp nền cao gần 2 mét.
      Nóc chùa Long An

   Một góc mái chùa Long An              

 Một góc bậc thềm trước chùa
Phía bên phải sân chùa đặt Thánh tượng Quán Thế Âm Bồ Tát lộ thiên đứng trên bục tòa sen cao 13,5 mét, thân tượng 10.5 mét, bục tòa sen cao 3 mét. Tạo thành thế uy nghi tôn nghiêm trong khuông viên chùa rộng 5000m2.
Tượng Phật Quán Thế Âm lộ thiên - cao 13,5 mét

Dãy cột hành lang trước chùa được chạm khắc hoa văn hình rồng chầu rất tinh xảo. Trước cửa chính của chùa đặt pho tượng Đức Phật Di Lạc cao khoảng 2,5 mét.
 Tượng Đức Phật Di Lặc
  Bên trong chùa, điện thờ chính được chạm trổ rồng phụng sơn son nhũ vàng rực rở. Nơi giữa chánh điện trên nóc điện thờ đặt pho tượng đứng Phật A Di Đà. Trên ban thờ có 5 pho tượng Phật lớn chiều cao khoảng hơn 2 mét, 10 pho tượng phật nhỏ vừa và hơn 20 pho tượng nhỏ được xếp thành 3 bậc. Trên bậc cao nhất bài trí ba pho tượng Di Đà tam tôn (còn gọi là “Tây phương tam thánh”) gồm tượng Phật A Di Đà ngồi ở giữa, tượng Bồ Tát Quán Thế Âm đứng ở bên trái và tượng Bồ Tát Đại Thế Chí đứng ở bên phải - mỗi tượng cao 2 mét.
    Chánh điện chùa Long An
  Bậc thứ hai xếp một pho tượng Phật Thích Ca Mầu Ni ngồi trên tòa sen, 2 bên có rất nhiều pho tượng Phật nhỏ và vừa. Tầng thứ ba xếp thêm một pho tượng Đức Thích Ca Mầu Ni ngồi trên tòa sen, phía trước đặt thêm tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế ngồi và một Phật Đản Sanh nhỏ.
Ban thờ Chánh điện
Gian bên phải thờ Đức Phật Địa Tạng. Gian bên trái thờ Đức Già Lam Thánh Chung.
   
Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát  

                 
 Đức Già Lam Thánh Chung Bồ Tát.

Hành lang bên phải đặt tượng Đức Tiêu Diện Bồ Tát cao hơn 2,5 mét. Hành lang bên trái đặt tượng Đức Bồ Tát cao hơn 2,5 mét.

       Tượng ông Tiêu Diện     
  
                                                              Tượng ông Hộ Pháp

Phía sau chánh điện là nhà thờ Hậu tổ. Trên bàn thờ xếp tượng Đức Tổ Sư Đạt Ma, bên dưới đặt bài vị, ảnh thờ các vị Hòa thượng trụ trì chùa viên mãn. Phía đối diện thờ tượng Đức phật Chuẩn Đề.
Bàn thờ Hậu Tổ  
                                   
 Đức Phật Chuẩn Đề Bồ Tát

III. Mối quan hệ nhà chùa và xã hội.
Thời kỳ Hòa thượng Thích Minh Châu trụ trì, chùa đã xây dựng được phòng chẩn trị Đông y và hốt thuốc Nam để chữa bệch cho bà con phật tử trong vùng. Hiện nay dưới sự trụ trì của Hòa thượng Thích thiện Thông nhà chùa tích cực vận động và tham gia làm công tác từ thiện hỗ trợ giúp đở người nghèo, ngừơi có hoàn cảnh khó khăn; chăm lo giúp đở tiền, tập, viết cho học sinh nghèo, mồ côi.. từ năm 2000 đến nay, hằng năm vào dịp rằm tháng giêng, rằm tháng bảy nhà chùa đã chẩn phát gạo từ 1 đến 1,5 tấn cho người nghèo. Trong thời gian tới nhà chùa cố gắng xây dựng lại phòng chẩn trị Đông Y và hốt thuốc Nam để chữa trị bệnh cho bà con trong vùng. Hiện nay chùa thường xuyên tổ chức định kỳ mỗi tháng 2 ngày “Thọ Bát Quan Trai” cho bà con phật tử trong vùng. Mỗi lớp có từ 100 đến 150 phật tử về dự học.



Phật tử dự lớp Thọ Bát Quan Trai

Hằng năm nhà chùa có các ngày lễ lớn như: Rằm Thượng ngươn 15 tháng giêng; Lễ Phật Đản 15 tháng tư; Lễ Vu Lan ngày 7 tháng bảy và  lễ rằm Trung ngươn 15 tháng bảy; Lễ vía Đức Phật A Di Đà 17 tháng mười một. Trong các ngày này có rất nhiều quý bà con và phật tử gần xa đến cúng viếng chùa.
Về phía phật tử, Chùa Long An có gần 250 phật tử đến tu tại chùa, bà con và phật tử ở đây xem ngôi chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, là nơi tín ngưỡng tôn giáo hỗ trợ cuộc sống cho mình và cho gia đình mình về mặt tinh thần, vì vậy bà con thường xuyên lui tới chùa nhất là những ngày lễ lớn của chùa hằng năm. Cụ thể những ngày rằm tháng giêng và tháng bảy có khoảng 1.500 đến 2000 bà con và phật tử đến cúng viếng chùa. Đồng thời tích cực đóng góp cúng dường để trùng tu, xây dựng mới mở rộng thêm nhà chùa và ủng hộ nhà chùa làm công tác từ thiện. Từ năm 1985 đến nay số tiền của phật tử và bà con gần xa cúng dường và góp phần làm từ thiện cho chùa lên đến nhiều tỷ đồng.
Hiện nay, Chùa Long An còn là địa điểm thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan và viếng cảnh chùa./.

                                       **********************


10. CHÙA PHƯỚC THẠNH,
NGÔI CHÙA CÓ BỘ TƯỢNG PHẬT GỖ GẦN 100 TUỔI
-----------
Chùa Phước Thạnh có tên gọi là “Phước Thạnh Tự” thuộc hệ phái Bắc tông, tọa lạc tại khu vực Thạnh Phú, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Là một ngôi chùa nhỏ khiêm tốn được xây dựng trên khu đất vườn có diện tích gần 4000­­­m2 nằm cặp bên phải ngọn rạch Cái Răng Bé hướng về Cái Chanh, do Đại đức Thích Lệ Đức trụ trì.

I. Lịch sử hình thành ngôi Chùa.
Theo Đại đức trụ trì và các phật tử của chùa kể lại - Chùa Phước Thạnh do Ông Nguyễn Thành Nam người gốc ở An Giang khởi lập vào khoảng năm Mậu Ngọ 1858. Do bất mãn với bọn quan lại của triều đình phong kiến ở địa phương, Cha của Ông đưa gia đình từ An Giang về ngọn rạch Cái Răng Bé thuộc làng Thường Thạnh sinh sống. Sau khi Cha mất Ông Nam mới xây cất Am để thờ Phật và ẩn tu theo hệ phái cổ truyền. Lúc ban đầu xây cất đơn giản gồm một gian với hai chái bát dần, vách làm bằng ván, lợp mái lá và chưa đặt tên. Sau khi Ông Nguyễn Thành Nam mất (21 tháng 7 năm 19?? âm lịch), nơi đây gần như bị bỏ hoang.
Khoảng năm 1908, Ông Võ Văn Chơi (1889-1946) người gốc địa phận Lợi Thuận, tỉnh Mỹ Tho về mới sửa chửa lại ngôi chùa để tu. Trong thời gian này theo BẢNG TÁN DƯƠNG CÔNG ĐỨC ghi nhận “… Chùa Phước Thạnh tán dương công đức của Bà Huỳnh Thị Khuê (vợ Ông Nguyễn Thành Nam) cúng dường đất; Bà Võ Thị Phố (một gia đình địa chủ) ở thôn Như Lăng, tổng Định Phú, tỉnh Cần Thơ đã cúng dường 1.500đ (một ngàn năm trăm đồng) và cả đàn na thí chủ đã cúng dường công của để xây dựng và trùng tu ngôi Tam Bảo Phước Thạnh được như ngày nay…” đến năm Giáp Tý 1924 ngôi Chùa mới được khánh thành, lấy tên là Phước Thạnh Tự. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc chữ Đinh với vật liệu kiên cố, vách bằng tường gạch, mái lợp ngói và đặt cổng chính về hướng Nam. Có thể nói Chùa Phước Thạnh thời điểm Hòa thượng Võ Văn Chơi trụ trì là thời hưng thịnh và tiếp nhận rất đông phật tử trong vùng, uy tín của chùa có ảnh hưởng rộng rãi khắp miền Tây và bản thân Hòa thượng cũng được cử vào trong Ban Tăng thống Phật giáo cổ truyền.
Tháng giêng năm 1946, Hòa thượng Võ Văn Chơi viên tịch, Ông Bùi Văn Út (tục gọi là Ông Thủ Tạ) tiếp tục trụ trì chùa, được ba năm sau 1949 Ông Thủ Tạ cũng viên tịch. Thời gian này Ông Nguyễn Văn Ấn sinh năm 1905 (con Ông Nguyễn Thành Nam) xuất gia - lấy pháp danh Thích Thiện Nghĩa và giữ trụ trì Chùa cho đến ngày Ông viên tịch 24 tháng 4 năm Giáp Dần 1974. Hòa thượng Thích Thiện Nghĩa cũng được cử nằm trong Ban nghi lễ Phật giáo cổ truyền miền Tây.
Sau năm 1974, Chùa Phước Thạnh đã có nhiều chư Tăng, Ni đến tu nhưng không ai giữ trụ trì nhà chùa được lâu. Mãi đến ngày 12 tháng 6 năm 2000 (Canh Thìn), Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Cần Thơ có quyết định phân Đại đức Nguyễn Bá Thiện - pháp danh Thích Lệ Đức người gốc Đồng Tháp vừa tốt nghiệp Cao đẳng Phật học khóa 1 tại Cần Thơ - về trụ trì.
Đại đức Thích Lệ Đức – thế danh Nguyễn Bá Thiện – sinh năm 1975, người ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, xuất gia năm 1985, tu tại chùa An Phước thời còn rất bé. Năm 1991, đi học trung cấp Phật học ở Kiên Giang, khi tốt nghiệp về tu tại chùa Giác Quảng phường An Bình, thành phố Cần Thơ để học Đại học sư phạm tại trường Đại học Cần Thơ. Năm 1998, học lớp Cao đẳng Phật học khóa 1 tại Cần Thơ, tốt nghiệp năm 2001. Ngày đầu tiếp nhận ngôi Chùa dột nát, Đại đức Lệ Đức bắt tay ngay trùng tu sửa chữa và xây dựng lại thành một ngôi Chùa khang trang, điều chỉnh cổng chính theo hướng Đông Bắc và xây lại theo kiểu kết cấu một hàng ngang (chữ Nhất) với ngôi chính điện nằm giữa 144m2 kiểu nhà “tứ tượng”  thiết kế bằng các vì kèo tạo dáng vuông trên nóc, gian Đông lang 100m2 dùng làm hội trường và dược tự, gian Tây lang 100m2 dùng làm nơi tiếp khách và 100m2 làm nơi sinh hoạt của các chư Tăng.
 Đại đức Thích Lệ Đức

II. Bài trí tượng thờ và Bộ tượng Phật bằng gỗ gần 100 tuổi
Chùa Phước Thạnh là một ngôi chùa nhỏ nằm xa trung tâm thành phố, tuy nhiên bên trong chùa chứa đựng một gía trị cổ vật quý đó là Bộ tượng Phật được chạm trổ bằng gỗ quý gần 100 tuổi. Hiện nay còn lại 16 pho (trong khoảng 34 pho tượng được làm từ năm 1924 - trong đó có 2 pho tượng Phật Thích Ca bị lính Pháp cướp và 16 pho tượng Phật La Hán bị mất). Bài trí trang nghiêm tập trung ngay ngôi chính điện.
Ngoài cổng chùa nhìn vào chúng ta bắt gặp pho tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát cao hơn 4 mét đặt bên trái sân chùa và với khoản sân rộng trồng nhiều hoa kiểng, cây cảnh bonsai tạo một khoảng không gian yên tịnh.
Ngôi chính điện :
     - Ngay giữa đặt một pho tượng Phật Thích Ca Mầu Ni ngồi trên tòa sen.

 Đây là pho tượng được làm lại bằng xi măng theo nguyên mẫu của tượng gỗ cao 1,2 mét đã bị Pháp cướp đi cùng với pho tượng Phật Đản Sanh cao 0,8 mét. Bên trong trên bàn thờ cao nhất gần nóc giáp vách Chánh điện bài trí ba Tượng Di đà tam tôn (còn gọi là “Tây phương tam thánh”) ở giữa tượng A Di Đà, bên trái tượng Quan Thế Âm, bên phải tượng Đại Thế Chí mỗi Tượng cao hơn 2 mét. 

Hàng thứ hai, được đặt ba Tượng - ở giữa tượng Bồ Tát Địa Tạng, bên trái tượng Phục Hổ, bên phải tượng Hàng Long.

Hàng thứ ba đặt bốn Tượng bên trái tượng Ông Thiện, bên phải tượng Ông Ác, ở giữa tượng Ngọc Hoàng và tượng Diêm Vương. 
                   
 - Gian bên trái, bên ngoài đặt tượng Ông Hộ Pháp cao 1,5 mét, bên trong bài trí một phù điêu chạm nổi hình Thiên Thủ Thiên Nhãn “vị Bồ Tát có sắc tượng ngàn mắt ngàn tay”.

- Gian bên phải, bên ngoài đặt tượng Ông Tiêu Diện cao 1,5 mét, bên vách treo long vị Vua Tự Đức được chạm bằng gỗ, bên góc trong đặt tượng Giám Trai Sứ Giả cao 0,8 mét.




- Bốn cột trụ giữa, hai cột trước đắp nổi hình đầu Rồng thân cuộn tròn quấn lấy thân cột, hai cột phía sau treo hai câu đối viết bằng chữ Hán – dịch nghĩa như sau: câu bên phải “ Phước Đẳng Hằng Hà Sa Tế Độ Vận Gia Đăng Giác Ngạn ”, câu bên trái “ Thạnh Đồng Trung Thiên Nhựt Thu Lai Thiên Lý Chiếu Mê Tân ”.


- Gian hậu đường nằm sau chính điện dùng làm nơi thờ Hậu tổ. Hàng trên cao đặt tượng Tổ Sư Đạt Ma cao 0,8 mét. Hàng thứ hai đặt linh vị thờ các Vị Hoà Thượng trụ trì trước đây. Hàng dưới cùng đặt tượng Hòa thượng Thích Thiện Nghĩa. 

III. Mối quan hệ nhà Chùa và phật tử
Như trên trình bày lịch sử hình thành, Chùa Phước Thạnh ra đời đến nay tròn 150 tuổi. Gắn liền với chiều dài lịch sử 150 năm qua, nhà Chùa đã có nhiều thay đổi, từ thuở ban đầu đơn sơ mái lá cùng với vài gia đình phật tử xung quanh đến nay đã thành ngôi Chùa khá khang trang với hằng trăm phật tử.
Mối quan hệ giữa nhà Chùa và bà con phật tử nơi đây gắn bó tốt đẹp, biểu hiện rõ nét nhất là bà con phật tử đã đóng góp tiền bạc công sức rất lớn để nhiều lần trùng tu xây dựng sửa chữa Chùa. Cụ thể, vào khoảng năm 1910-1924 trong lần xây dựng sửa chữa này đã hình thành một ngôi chùa hoàn chỉnh và với Bộ Tượng Phật khoảng 34 pho được chạm trổ công phu bằng gỗ quý, và lần trùng tu xây dựng năm 2000 bà con đã đóng góp hằng trăm triệu đồng và rất nhiều ngày công để có được ngôi Chùa như hiện nay.
Về phía nhà Chùa, có lúc xây dựng được Phòng chẩn trị Y học cổ truyền để điều trị bệnh cho nhân dân trong vùng. Các Chư Tăng ngoài việc tu hành còn là người luôn gắn bó với bà con phật tử khi những lúc hoạn nạn khó khăn, với tấm lòng từ bi hỷ xả không ngại khó sẳn sàng dùng công đức của mình ngày đêm tụng niệm cho đám tang – cầu phước… Ngoài ra các Chư Tăng còn tích cực tham gia làm công tác xã hội vận động quyên góp tiền của để xây cất cầu, làm đường, xây nhà tình thương, giúp đở gạo, tập viết… cho trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Trong thời gian tới, nhà Chùa sẽ vận động thành lập Câu lạc bộ “Ông Cháu” để những người già có nơi sinh hoạt, là nơi đoàn kết tương thân thương ái, là nơi nêu gương người tốt việc tốt và dạy bảo trẻ con.
Chùa Phước Thạnh đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, là điểm tựa tinh thần của bà con phật tử nơi đây./.

Một vài hình ảnh các  pho tượng  Phật bằng gổ qúy





Sau đây là những hình ảnh trong khung viên chùa ...



Hết 10 ngôi chùa Phật ở Cái Răng. Mời Quý vị đọc tiếp các ngôi chùa Phật ở các Quận, Huyện khác của Tp.Cần Thơ./.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét