Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Những ngôi Chùa ở Bình Thủy (tiếp theo)

6. CHÙA BỬU THÀNH

Phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ
------------------------------------------


Chùa Bửu Thành - thuộc hệ phái Nam tông, tọa lạc trên diện tích gần 1000m2, tại tổ 2, khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Điện thoại số 0984280493. Hiện nay do Đại đức Thích Ngọc Quang trụ trì.

Chùa Bửu Thành

 Lịch sử hình thành ngôi chùa
          Chùa Bửu Thành được khởi nguyên vào năm Canh Tý 1960, trên phần đất nhà tại địa chỉ nêu trên, do ông Quảng An Kiết sinh năm Bính Thìn 1916 – pháp danh Thích Ngọc Nguyện là người khai sáng. Thuở ban đầu chỉ là một thảo am nhỏ lợp lá trên nền đất, được dựng lên để tu theo hệ phái Đức Phật Thầy Tây An.
Đến năm Mậu Thân 1968 chiến tranh tàn phá ác liệt, Sư Thầy Ngọc Nguyện cùng gia đình phải chạy ra thị xã Cần Thơ lánh nạn, sau đó xuất gia quy y tại Bửu Pháp Tự (gần Cầu Nhị Kiều – hiện nay là đường Hùng Vương, phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ). Đến cuối năm Canh Tuất 1970, chiến tranh tạm lắng xuống, Sư Thầy Ngọc Nguyện trở về quê cất lại ngôi Tam Bảo rộng lớn khang trang trên nền đất cũ, đặt tên Bửu Thành Tự. Ngôi chùa được cất mới cột bằng gổ quý, mái lợp tôn xi măng, vách bằng tôn thiết, nền lót gạch tàu… Thượng tọa Thích Ngọc Nguyện trụ trì và tu tại đây cho đến ngày   tháng  năm Nhâm Ngọ 2002 - viên tịch, hưởng thọ 86 tuổi.
Để thừa kế và tiếp tục phát huy ngôi Tam Bảo được trường tồn. Đại đức Thích Ngọc Quang (là con trai của Thượng tọa Thích Ngọc Nguyện) trực tiếp trông coi ngôi chùa. Tháng 3 năm Quý Mùi 2003, Đại đức Ngọc Quang đã hiến cúng dường ngôi chùa cho giáo hội Phật giáo Việt Nam và năm Ất Dậu 2005, Đại đức được Ban trị sự giáo hội Phật giáo thành phố Cần Thơ chính thức bổ nhiệm làm trụ trì chùa.

Đại đức Thích Ngọc Quang – thế danh Quảng Thanh Liêm sinh ngày 20 tháng 6 năm Quý Mẹo 1963, xuất gia vào tháng 10 năm Bính Dần 1986 và tu tại Bửu Pháp Tự - Cần Thơ. Đến năm Bính Tý 1996, thọ giới Tỳ kheo tại chùa Mu Ni Ren Say – Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Năm 2000 chuyển về tu tại chùa Bửu Thành và năm 2005 chính thức trụ trì chùa cho đến ngày nay.

Đại đức Thích Ngọc Quang
 Sau khi được gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 2004, thấy ngôi chùa cũ đã bị xuống cấp trầm trọng, cột kèo bị mối mọt, tôn thiết thì mục nát. Đại đức Thích Ngọc Quang cho tiến hành xây mới và mở rộng thêm diện tích ngôi chùa. Phía trước là gian chánh điện có diện tích 72m2, (chiều ngang 6 mét, chiều rộng 12 mét). Gian nối tiếp là thờ Hậu tổ rộng 36m2. Gian thứ ba là nhà ăn, nhà bếp và nhà kho… rộng hơn 200m2. tổng kinh phí xây dựng hơn 70 triệu đồng.

Những đặc điểm thờ cúng trong chùa

Chùa Bửu Thành là hệ phái Phật giáo Nam tông, nên trong chùa chỉ duy nhất thờ Phật Thích ca và các tượng được tập trung tôn trí ở điện thờ trung tâm.
Vách sau điện thờ là một bức tường gạch, trên nền tường có gốc cây Bồ đề cổ thụ đấp nổi trên một bức tranh phong cảnh núi đồi, phía trước là điện thờ. Trên bậc cao tôn trí tượng đức Phật Thích Ca Mầu Ni ngồi trên tòa sen cao 1,4 mét, trước đài tòa sen xếp thêm một pho thhuowjng đức Phật nhập niết bàn dài 1,2 mét; bậc thứ hai ở giữa có 3 pho tượng nhỏ, trong đó có một tượng Phật đản sanh cao 0,8 mét; bậc thứ ba dùng để xếp các bình hoa tươi và trái cây để cúng Phật. 
Điện thờ chính trong chùa
Phía sau chánh điện là bàn thờ Hậu tổ. Trên bàn treo khung di ảnh Đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên, bên dưới xếp các khung ảnh thờ Thượng tọa Thích Ngọc Nguyên...

Chùa Bửu Thành trước đây là ngôi chùa gia đình, hiện nay nhà chùa đã gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đã có hàng trăm người dân đến tính ngưỡng thờ cúng, nhưng vẫn là một ngôi chùa nhỏ nằm cách khá xa đô thị, đường vào chùa khúc khiểu quanh co, nên ít được nhiều người biết đến. Mặc dù vậy, hiện nay Đại đức Thích Ngọc Quang vẫn tổ chức đầy đủ các nghi lễ của các ngày lễ lớn của Phật giáo như: Rằm Thượng Ngươn, rằm Trung Ngươn, rằm Hạ Ngươn kết hợp với lễ Vu Lan báo hiếu và lễ Phật đản hằng năm… có rất đông bà con phật tử đến cúng viếng./.

****************


7.  TỊNH XÁ NGỌC HOA

--------------------------------------------


TỊNH XÁ NGỌC HOA
Phường Bình Thủy. quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ

Tịnh xá Ngọc Hoa, thuộc hệ phái Khất Sĩ, tọa lạc trên diện tích 126m2 tại số 15A/10 đường Lê Hồng Phong, thuộc Khu vực 4, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Điện thoại số 0710 3885412. Hiện nay do Sư côThích Nữ Sơn Liên làm trụ trì.

Toàn cảnh ngôi Tịnh xá Ngọc Hoa

I. Lịch sử hình thành ngôi Tịnh Xá.

Vào năm Kỷ Dậu – 1969. Nhân duyên lành, Đại đức Thích Giác Hoa gặp được ông Sáu Tây người ở Cần Thơ cúng dường một mãnh đất 126m2, Đại đức đứng ra trông coi xây cất một cái am nhỏ bằng cây lá đơn sơ trên phần đất hiến cúng tại số 15A hẻm 10 thuộc khu vực 4, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ và đặt tên là Tịnh xá Ngọc Hoa.

Đại đức Giác Hoa đã tu học và hướng dẫn cho bà con phật tử trong vùng đến sinh hoạt, lễ bái tụng niệm trong thời gian từ năm 1969 đến 1977. Có nghĩa, sau 2 năm đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, sư thầy Giác Hoa đã chuyển nơi tu trở về quê nhà. 

Ảnh tư liệu của chùa

Năm Đinh Tỵ - 1977, Tịnh xá Ngọc Hoa được giao lại cho phật tử Chánh Ngọc trông coi nhang khói đến năm 1997. Vì tuổi cao sức yếu, cô Chánh Ngọc (đã viên tịch vào năm 2007 tại Tịnh xá – hưởng thọ  83 tuổi) mời sư cô Sơn Liên về tu và trông coi Tịnh xá.

Sư cô Thích Nữ Sơn Liên - thế danh Nguyễn Thị Tiếm, sinh năm Giáp Thìn – 1964 tại xã Tân Lược, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long sống cùng gia đình, đến năm 1980, xuất gia tu tại Tịnh xá Ngọc Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

sư cô Thích Nữ Sơn Liên

 Năm 1987, sư cô Thích Nữ Sơn Liên chuyển sang tu học tại Tịnh Thất Ngọc Thanh, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ cho đến năm 1997 về tu tại Tịnh xá Ngọc Hoa, đến năm 2006 Ban trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố Cần Thơ có quyết định chính thức bổ nhiệm Sư cô Thích Nữ Sơn Liên chính thức trụ trì Tịnh xá Ngọc Hoa cho đến ngày nay.

Trong quá trình tu học, sư cô Sơn Liên đã tham gia dự lớp Phật học cơ bản từ năm 1993 đến 1997 tại chùa Bửu Trì – phường Xuân Khánh, Cần Thơ. Sau đó dự học tiếp lớp Cao đẳng Phật học từ năm 1998 – tốt nghiệp năm 2001 tại chùa Bửu Ân, đường Nguyễn Thái Học, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Ngoài ra sư cô còn tham gia nhiều lớp học bồi dưỡng trụ trì chùa.
Hiện nay, Sư cô Sơn Liên còn giữ nhiều chức vụ công tác xã hội và phật sự: ủy viên Ủy ban Mặt trận phường Bình Thủy và quận Bình Thủy; ủy viên Ban đại diện Phật giáo quận Bình Thủy.
II. Những đặc điểm và mối quan hệ giữa Tịnh xá và xã hội.
Tịnh xá Ngọc Hoa từ ngày khởi lập đến nay vừa tròn 40 năm. Với thời gian ấy, đã làm ngôi Tịnh xá cũ dột nát, xuống cấp trầm trọng. Năm 2000, được bà con phật tử cúng dường và hỗ trợ giúp đở, sư cô Sơn Liên đã tiến hành xây cất mới lại ngôi Tịnh xá Ngọc Hoa khá khang trang, tường xây gạch, mái lợp tôn, làm lại cổng và hàng rào bằng sắt. Dựng đài Quán Thế Âm Bồ Tát lộ thiên trước sân cao hơn một mét. Hiện tại Tịnh xá quay mặt về hướng Đông Nam, nằm phía sau chợ Bình Thuỷ khoảng 500 mét. 

Ban thờ chánh điện
 Mặc dù diện tích đất nhỏ hẹp chỉ được 126m2. Trong đợt xây dựng mới, ngôi Tịnh xá được chia làm hai phần. Phần trước là dùng làm ngôi chánh điện. Trong chánh điện tôn thờ Đức Phật bổn sư Thích Ca Mầu Ni ngồi trên tòa sen, hai bên có 2 tượng đứng Quán Thế Âm Bồ Tát và Địa Tạng Vương Bồ Tát, bên dưới xếp pho tượng Đức Phật Di Lặc, phía bên phải có bức di ảnh Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang. Phần phía sau là nơi sinh hoạt ăn ở của các chư ni. Vách bên phải che thêm một mái chái làm hành lang đi ra phía sau.
Hiện tại Tịnh xá đã mua thêm được một miếng đất phía trước mặt, rộng 126m2. Dự kiến trong vài năm tới sẽ tiến hành xây mới lại ngôi Tịnh xá trên phần đất này.
Từ một ngôi Tịnh xá không có phật tử và ít được nhiều người biết đến, hiện nay đã có khoảng 50 phật tử đang theo tu học. Các ngày lễ rằm thượng Ngươn, trung Ngươn, hạ Ngươn, lễ Phật đản và tết cổ truyền… có hằng
trăm người đến cúng viếng. Sư cô Sơn Liên từ ngày về trụ trì đến nay đã hết lòng phụng sự Phật pháp, chăm lo ngôi Tịnh xá và tích cực tham gia công tác từ thiện, xã hội, cấp phát tập viết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm giúp đở phân phát cho người nghèo khoảng 1 tấn gạo/năm, nên được nhiều bà con phật tử quý mến kính trọng./.

-----------------------------------------------------------------------------

8. TỊNH XÁ NGỌC THỦY
----------------------------


TỊNH XÁ NGỌC THỦY

Phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ

          Tịnh xá Ngọc Thủy, thuộc hệ phái Khất sỹ - tọa lạc trên diện tích 1311m2 tại số 34/6 thuộc Khu vực 3, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Nằm phía sau chợ Bình Thủy, quay mặt về hướng Đông Bắc, cách chợ khoảng 200 mét về phía bên trái. Điện thoại số 0710 3884793. Hiện nay do Ni sư Thích Nữ Ẩn Liên trụ trì.         
Toàn cảnh Tịnh xá
I. Lịch sử hình thành ngôi Tịnh xá.
Tịnh xá Ngọc Thủy được khởi lập vào ngày 25 tháng 11 năm Quý Mẹo – 1963, do Sư bà Thích Nữ Kiên Liên đứng ra xây cất trên phần đất nhà. Ban đầu chỉ cất một ngôi cổ lầu nhỏ và một dãy nhà ngang dài khoảng 10 mét, tường xây bằng gạch mái lợp tôn. 

Ngôi Tịnh xá trước đây (ảnh tư liệu của Tịnh xá)
Sư bà Thích Nữ Kiên Liên - thế danh Ngô Thị Cầm, sinh năm Canh Tý – 1900. Người quê ở Bình Thủy, xuất gia tu tại Tịnh xá Ngọc Phương Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 1963 trở về quê nhà cất Tịnh xá Ngọc Thủy để tu. Khi xây dựng xong, Sư bà đã cúng dường toàn bộ ngôi Tịnh xá cho Giáo hội Phật giáo vào năm 1964 và được Giáo hội phân làm trụ trì ngôi Tịnh xá đến năm 1970. Vì tuổi cao sức yếu, Sư bà Kiên Liên viên tịch năm 1972 – hưởng thọ 72 tuổi.
Năm 1970, do sư cô Kiên Liên già yếu, Sư cô Phẩm Liên về làm trụ trì 2 năm, đến năm 1972 sư cô chuyển về tu Tịnh xá Ngọc Thuận - Vĩnh Long.
Năm 1972, Sư cô Thích Nữ Ẩn Liên được Giáo hội phân về làm trụ trì Tịnh xá Ngọc Thủy. Sư cô Ẩn Liên được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong Ni sư vào năm 2003. 

Ni sư Thích Nữ Ẩn Liên
 Ni sư Thích Nữ Ẩn Liên, sinh năm Đinh Sửu – 1937, thế danh Ngô Thị Đức – quê ở Mỹ Phước, tỉnh An Giang. Xuất gia năm 1964 tại Tịnh xá Ngọc Phương, Gò Vấp, Sài Gòn Gia Định nay là thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó trở về tu tại Tịnh xá Ngọc Long – An Giang. Năm 1966 chuyển sang tu tại Tịnh xá Ngọc Huệ - Núi Sập, Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Đến năm 1972 về làm trụ trì Tịnh xá Ngọc Thủy cho đến nay.
Năm 2002, thấy ngôi Tịnh xá cũ, tôn đã mục dột nát. Ni sư Ấn Liên cho tiến hành cất mới lại ngôi chánh điện của Tịnh xá theo hình bát giác, kiểu mái cổ lầu, lợp tôn giả ngói đỏ với diện tích 100m2 trên nền cũ; xây mới đài Quan Âm Các; trùng tu nâng cấp nhà thờ Cửu Huyền Thất Tổ; xây mới khu nhà Ni chúng rộng 120m2; xây thêm phía sau nhà Ni chúng một dãy làm nơi sinh hoạt các chư ni, nhà bếp và nhà ăn. 

II. Đặc điểm chính của Tịnh xá và mối quan hệ xã hội 

Sau năm 2002, ngôi Tịnh xá Ngọc Thủy gần như được xây cất mới hoàn toàn. Nhìn từ cổng vào, trên khoảng sân khá rộng, có nhiều chậu kiển và cây bonsai. Đặc biệt có một cây KaLa Song Thọ có nguồn gốc từ Ấn Độ được một phật tử cúng dường. Nhưng ấn tượng đầu tiên là gốc cây Bồ Đề cổ thụ đứng trước ngôi chánh điện cành lá sum sê tỏa bóng mát. Bên phải có đài Quan Âm Các tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cao hơn 1,5 mét tôn nghiêm, bên cạnh là nhà Cửu Huyền Thất Tổ.

Bên trong chánh điện rộng thoáng, ở giữa trung tâm đặt một tháp vuông bằng gổ lắp kính xung quanh, tôn trí thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mầu Ni ngồi trên tòa sen nhìn ra hướng cửa chính, hai bên xếp 2 tượng Phật nhỏ quay mặt nhìn ra hai bên. Phía sau điện thờ có bàn thờ bức di ảnh Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang.

Ban thờ chánh điện
Tịnh xá Ngọc Thủy khởi lập là một Tịnh xá gia đình, từ khi gia nhập giáo hội đến nay có nhiều bà con phật tử đến nương nhờ cửa Phật. Hiện nay, Ngoài Ni sư trụ trì còn có 2 đệ tử sư cô và khoảng 50 phật tử theo tu. Những ngày lễ rằm định kỳ thượng Ngươn, trung Ngươn và hạ Ngươn, có hằng trăm bà con trong vùng đến cúng viếng.

Ni sư và các sư cô thường xuyên đi đến tận gia đình các phật tử để tụng niệm cầu siêu, cầu an khi có yêu cầu. Ngoài ra, Tịnh xá và Ni sư Ẩn Liên còn tích cực tham gia nhiều công tác từ thiện xã hội, giúp đở học sinh nghèo hiếu học và phân phát gạo cho các gia đình phật tử nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn khoảng 500 kg/năm.
Về phía bà con phật tử gần xa, thường xuyên đến Tịnh xá làm công quả và rất nhiệt tâm quyên góp cúng dường hơn 200 triệu đồng để xây lại ngôi Tịnh xá khang trang được như ngày hôm nay./.    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét